Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu ngân sách khả quan do kinh tế phục hồi mạnh mẽ

(VTC News) -

Theo Bộ Tài chính, cập nhật số liệu thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên hệ thống Tabmis, đến hết ngày 30/9/2022 thu đạt 1.330 nghìn tỷ đồng, bằng 94,2% dự toán.

Chiều 4/10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban công tác tháng 9/2022 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 10/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, thu ngân sách tháng 9/2022 do ngành Thuế quản lý đạt trên 79.400 tỷ đồng, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt trên 1,100 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 121,7% cùng kỳ năm 2021.

Thu ngân sách đã đạt 1.330 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, cập nhật số liệu thu NSNN trên hệ thống Tabmis, đến hết ngày 30/9/2022 đạt 1.330 nghìn tỷ đồng, bằng 94,2% dự toán. Phân tích từng khoản thu cho thấy, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt khá, do nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, góp phần tăng thu ngân sách. 

Để đạt được kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh việc ngân sách được hưởng lợi do giá dầu thô tăng cao (thu ngân sách từ dầu thô đạt trên 200% so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng thu trên 30.000 tỷ đồng) thì việc các hoạt động kinh tế đã dần ổn định và hoạt động bình thường trở lại cũng đã tác động tích cực, quan trọng đến thu ngân sách. Trong đó, một số khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: thu tiền sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, dù thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhưng số thu 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 13,8% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, do việc triển khai thực hiện thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc góp phần hạn chế gian lận về hóa đơn, đồng thời người nộp thuế xuất hóa đơn, kê khai đúng thời kỳ phát sinh qua đó góp phần tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, việc ngành Thuế triển khai tốt, hiệu quả công tác chống thất thu, thu hồi nợ thuế, tăng thu do thanh tra, kiểm tra cũng góp phần tăng thu NSNN.

Ngày 3/10/2022, Thủ tướng ban hành Công điện số 889/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và 63 tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Thuế cũng khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống thuế triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng theo đúng yêu cầu tại Công điện số 889/CĐ-TTg.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh báo cáo tại Hội nghị giao ban từ đầu cầu trực tuyến tại Tổng cục Thuế.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, với việc triển khai quyết liệt các giải pháp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), sau hơn 6 tháng vận hành Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) dành cho NCCNN, kết quả hiện có 36 NCCNN đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng với tổng số thuế khai và nộp đạt trên 1.200 tỷ đồng (tăng trên 700 tỷ so với tháng trước).

Trong đó, 6 doanh nghiệp lớn (chiếm khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam) như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đều cũng đã đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng.

Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, biến động khó lường từ cuộc chiến tranh Nga, Ukraine, tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, qua đó tác động không thuận đến nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm.

Thực tế, số thu ngân sách những tháng gần đây có xu hướng giảm mạnh. Số thu tháng 7 đạt 133.015 tỷ thì sang tháng 8 chỉ còn 105.557 tỷ đồng và đến tháng 9 chỉ còn 79.400 tỷ (giảm trên 40% so với tháng 7/2022)”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý.

Để số thu ngân sách năm 2022 do cơ quan thuế quản lý đạt mức tăng 15,5% so với dự toán thì trong 3 tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, mỗi tháng ngành Thuế còn phải thu khoảng trên 85.000 tỷ đồng (cao hơn mức thực hiện của tháng 9 gần 5.500 tỷ đồng). Điều này vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống thuế trong những tháng còn lại của năm 2022.

Hội nghị giao ban công tác tháng 9/2022 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 10/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách nêu trên, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tổ chức quyết liệt triển khai các biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với TMĐT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng; tiếp tục xây dựng CSDL lớn và các công cụ khai thác, sử dụng, phân tích dữ liệu HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế; chỉ đạo tổ chức chương trình hóa đơn may mắn tại 63 tỉnh, thành phố (trong tháng 10); triển khai HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; tập trung công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo chương trình xây dựng văn bản năm 2022, Tổng cục Thuế còn 1 Nghị định và 5 Thông tư cần tiếp tục hoàn thành (9 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế hoàn thành trình ban hành 3 Nghị định; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 Thông tư).

Về nội dung này, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát, phối hợp với Bộ Tư pháp để sớm có ý kiến, kịp thời trình Chính phủ ban hành.

Bảo Anh

Tin mới