Đợt nóng này được ghi nhận ở khu vực ngoại ô Penrith, Sydney. Nhiệt độ tại đây vào 15h chiều 7/1 chỉ thấp hơn 0,5 độ C so với kỷ lục 47,8 độ C được ghi nhận tại thị trấn Richmond vào năm 1939.
Nhưng không chỉ có Sydney, hình thái thời tiết tiêu cực này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân nhiều vùng miền Nam Australia. Hàng nghìn hộ dân ở Sydney phải sống trong cảnh không có điện vào tối 7/1.
Đây là đợt nóng kỷ lục được ghi nhận ở Australia trong vòng gần 80 năm qua.
Cảnh sát ở các tiểu bang lân cận của bang Victoria mới đây phải đưa ra cảnh báo người dân tránh di chuyển qua cao tốc Hume sau khi 10 km đoạn đường trên xa lộ này bị chảy do nhiệt độ cao.
Tuy nhiên, Australia không phải là nơi duy nhất ghi nhận hình thái thời tiết bất thường.
Tại Alaska, nhiệt độ đang ấm hơn so với mức trung bình trong những ngày gần đây. Trái ngược với đó, vùng Đông Bắc Mỹ lại đang phải hứng chịu đợt lạnh kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Theo Sky News, nhiệt độ một số khu vực tại nước Mỹ đang ở mức lạnh nhất trên hành tinh và có những ngày thấp hơn nhiệt độ Sao hỏa. Cùng với gió và các yếu tố khác, nhiệt độ được dự đoán hạ xuống -73 độ C ở một số nơi tại New Hampshire.
Video: Nóng kỷ lục, chảy cả nhựa đường ở Australia
Theo các chuyên gia thời tiết, phải tới giữa tháng 1, nhiệt độ tại bờ Đông nước Mỹ mới có thể nhích lên để trở về mức thông thường.
Trong khi đó, phát ngôn viên Tổ chức Khí tượng thế giới Clare Nullis cho biết, châu Âu đang phải trải qua một mùa đông bất thường. Đơn cử như ở Pháp, nhiệt độ trung bình trên cả nước được ghi nhận ở mức 11,5 độ C, cao hơn 6 độ so với thông thường.