Theo hãng tin AFP, các chuỗi cửa hàng thuốc CVS và Walgreens xác nhận hiện một số nhãn hiệu băng vệ sinh tạm thời không có mặt trên các kệ hàng ở một số khu vực. Procter & Gamble - "cha đẻ" của nhãn hiệu băng vệ sinh Tampax phổ biến tại Mỹ, cho biết khách hàng có thể không tìm thấy sản phẩm thông thường này trong các cửa hàng Mỹ.
Trong một tuyên bố, Procter & Gamble đã chia sẻ sự đồng cảm với những bực dọc của khách hàng khi không thể tìm thấy mặt hàng mà họ cần. Procter & Gamble đảm bảo đây chỉ là tình huống tạm thời ở Mỹ và đội ngũ sản xuất Tampax đang nỗ lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Các kệ hàng bị trống do thiếu hụt nguồn cung sữa công thức tại một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 24/5/2022. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)
Trong khi đó, người phát ngôn của Edgewell, sản xuất băng vệ sinh Palytex, Carefree và Stayfree thừa nhận các vấn đề liên quan đến kho, bãi trong bối cảnh thiếu hụt quá nhiều lực lượng lao động do 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 tại một nhà máy của Mỹ hồi cuối năm 2021 và một nhà cung cấp Canada vào đầu năm nay. Công ty này nhận định mọi việc sẽ trở lại bình thường trong những tuần tới.
Walgreens khẳng định hiện đang làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo việc cung cấp cho tất cả các cửa hàng. Trong khi đó, CVS cũng khẳng định sẽ nỗ lực để bổ sung các mặt hàng thiếu càng nhanh càng tốt.
Thực trạng thiếu băng vệ sinh tại Mỹ đã diễn ra trong nhiều tháng, song giới truyền thông đề cập tới vấn đề này ngày một nhiều trong thời gian gần đây.
Ông Patrick Penfield, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse cho biết nhu cầu băng vệ sinh đã đặc biệt tăng trong thời gian gần đây do người tiêu dùng có tâm lý đổ xô đi tích trữ khi thấy thiếu vắng các thương hiệu nhất định. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận tới thực tế thiếu các nguyên liệu thô nhất định, trong đó có bông.
Ông Penfield cho biết đây là năm thứ 3 liên tiếp nhu cầu về bông ở Mỹ tăng cao hơn so với sức sản xuất của các công ty do nhu cầu khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân tăng. Ngoài ra, một số nhà máy đang gặp khó khăn do thiếu hụt nhân công hoặc số ca mắc COVID-19 gia tăng.