Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thể thao Việt Nam mặn chát nỗi buồn Olympic 2020: Phải xem lại định hướng đầu tư

(VTC News) -

Dự Olympic Tokyo với 18 VĐV nhưng đoàn thể thao Việt Nam không mang về nổi 1 tấm huy chương.

Khoảnh khắc VĐV Quách Thị Lan về đích thứ 6 ở bán kết nội dung điền kinh 400m vượt rào nữ dưới cơn mưa tầm tã ở Tokyo đã khép lại Thế vận hội 2020 của đoàn thể thao Việt Nam với cái kết buồn.

Sau 3 kỳ Olympic liền có ít nhất một tấm huy chương, thể thao Việt Nam khép lại hành trình ở Tokyo với hai bàn tay trắng. Đáng lo lắng hơn, thất bại này là hậu quả của những vấn đề mang tính hệ thống của thể thao Việt Nam nhiều năm qua.

Quách Thị Lan không thể tạo bất ngờ. 

Khoảng trống mênh mông

"18 suất tham dự Olympic Tokyo 2020 phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Olympic. Các VĐV của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau. Điều đó cho thấy, khoảng cách của thể thao Việt Nam với Olympic vẫn còn xa", ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020, chia sẻ.

Để góp mặt tại Thế vận hội, các VĐV cần có thành tích vượt chuẩn Olympic. Tuy nhiên, có những VĐV tham dự theo dạng vé mời. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) và Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) đi Olympic Tokyo theo chuẩn này. Đó là "con đường khác nhau" mà ông Trần Đức Phấn đề cập. Tức là dự Olympic, nhưng chưa chắc VĐV đã ở trình độ Olympic.

Nhìn toàn cục màn trình diễn của các VĐV Việt Nam ở Olympic Tokyo để thấy chênh lệch rất lớn với đẳng cấp quốc tế. Trong 18 VĐV, chỉ có Hoàng Thị Duyên (về thứ 5 ở chung kết cử tạ) ở vị trí tranh chấp huy chương.

Hoàng Thị Duyên về đích thứ 5 trong số 8 VĐV tranh tài. 

Ở các nội dung khác, Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) bị loại ở vòng 1. Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Huy Hoàng, Ánh Viên dừng bước ở vòng loại. Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing), Trương Thị Kim Tuyền (judo) "rụng" trước vòng 1/8. Đương kim vô địch ASIAD Lường Thị Thảo không thể lọt vào nhóm tranh huy chương ở rowing.

Thực tế, trong 18 VĐV Việt Nam đến Olympic, môn có cơ hội tranh chấp huy chương lớn nhất chỉ là cử tạ. Đây cũng là nội dung giúp thể thao Việt Nam có 1 HCB, 1 HCĐ ở 3 kỳ Thế vận hội gần nhất.

Các môn còn lại, VĐV Việt Nam tham dự với tinh thần cọ xát. 14/18 VĐV mới lần đầu dự Olympic, đến từ những môn không phải thế mạnh. Ở những nội dung như bắn cung, bơi lội, điền kinh, boxing, judo, cơ hội của Việt Nam là con số 0.

Song, đáng lo ngại hơn với thất bại đắng chát là sau Olympic Tokyo, thể thao Việt Nam có tìm được gương mặt nào tranh chấp huy chương tại Olympic Paris sau đây 3 năm?

Tiến Minh thi đấu Olympic ở tuổi 38.

Hoàng Xuân Vinh tạo nên lịch sử cho bắn súng Việt Nam với 1 HCV, 1 HCB ở Rio. 5 năm sau, bắn súng Việt Nam vẫn chỉ có Hoàng Xuân Vinh. 3 năm nữa liệu có khác, khi đội bắn súng Việt Nam vẫn chưa có gương mặt ưu tú nào. Các VĐV tập trong điều kiện thiếu thốn, không có đạn thật để bắn, có cạnh tranh nổi ở sân chơi Olympic?

Nguyễn Tiến Minh từng đứng hạng 5 thế giới - vị trí cao nhất một VĐV Việt Nam có được ở môn thể thao cá nhân. Ở tuổi 38, cầu lông Việt Nam vẫn chỉ có Tiến Minh. Tự bỏ tiền thi đấu, tập luyện trang trải chi phí. Các VĐV cầu lông Malaysia, Trung Quốc có cả ê-kíp đi kèm để chăm sóc y tế, tâm lý, dinh dưỡng, Tiến Minh chỉ đi một mình.

Câu chuyện của Tiến Minh, Xuân Vinh cho thấy những thành công hiếm hoi của thể thao đỉnh cao trong 10 năm qua đến từ nỗ lực tự thân của VĐV, hơn là chiến lược đúng đắn của ngành thể thao.

Không có Hoàng Xuân Vinh, bắn súng Việt Nam trông cậy vào ai?

VĐV thể thao Việt Nam chỉ nhận lương cơ bản khoảng 7 triệu/tháng, cùng tiền ăn khoảng 200.000 đồng/ngày. Khi chế độ dinh dưỡng và chất lượng tập luyện không được đảm bảo, thể thao Việt Nam khó mơ đi xa ở thế giới.

Đầu tư thiếu trọng điểm 

Nếu thể thao Việt Nam trắng tay, lần lượt các đoàn Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều đã có huy chương. Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, trong đó có huy chương vàng lịch sử ở nội dung đôi nữ cầu lông. Thái Lan giành 1 HCV taekwondo, Philippines có 1 HCV, 1 HCB ở cử tạ và boxing, còn Malaysia cũng có HCĐ cầu lông.

Ở SEA Games, thể thao Việt Nam vượt mặt nhiều đối thủ Đông Nam Á trên bảng tổng sắp, nhưng tại Olympic thì không.

Đây là hậu quả của chiến lược đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm và định hướng. Nếu các nước Indonesia, Malaysia phát triển cầu lông, Thái Lan mạnh về cử tạ và võ thuật, Philippines cũng đầu tư mạnh cho võ, thể dục dụng cụ và cử tạ thì thể thao Việt Nam không có môn trọng điểm.

Nếu có, cũng là đầu tư hướng tới SEA Games, hơn là Olympic.

Ánh Viên phải thi đấu dàn trải cho mục tiêu SEA Games. 

Câu chuyện của Ánh Viên là một ví dụ. Được đầu tư hàng chục tỷ đồng tập huấn ở Mỹ nhiều năm, nhưng hiệu quả của tập luyện là dấu hỏi. Về nước, Ánh Viên phải thi đấu từ 8-10 nội dung thi ở các kỳ SEA Games 29, 30. Tập huấn hướng tới ASIAD, Olympic, nhưng ở giải vô địch quốc gia, "tiểu tiên cá" phải góp mặt hàng chục nội dung. 

Những năm tháng đỉnh cao, Ánh Viên phải "đào vàng" ở sân chơi Đông Nam Á. Cô chưa từng được định hướng đúng đắn cho Olympic.

Điền kinh, bơi lội mang về huy chương SEA Games, nhưng ở Olympic, thậm chí ASIAD, thể thao Việt Nam kém thế giới quá xa ở những nội dung này. VĐV Việt Nam thừa cho SEA Games, nhưng thiếu cho Olympic. 

Trong khi đó, chỉ với một số môn được đầu tư nghiêm túc, Thái Lan, Indonesia, Philippines đã gặt vàng Olympic. Tư chất, thể hình, sức vóc của các VĐV này không vượt trội VĐV Việt Nam. Ranh giới giữa thành công và thất bại có lẽ nằm ở chiến lược, mà kỳ Olympic Tokyo mặn chát nỗi buồn là lời cảnh tỉnh cần thiết cho cả ngành thể thao Việt Nam. 

Hồng Nam

Tin mới