Thầy đã chế tạo thành công chiếc máy phát điện sử dụng luân phiên năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Theo thầy Danh, 2 nguồn năng lượng luôn hỗ trợ nhau, khắc phục những hạn chế giúp máy luôn luôn có nguồn năng lượng thay thế hoạt động và tạo ra nguồn điện ổn định để sử dụng.
Máy có kích thước nhỏ gọn, dễ lắp đặt, an toàn cao khi sử dụng, tuổi thọ và độ bền của máy rất cao. Máy có cấu tạo gồm: Máy biến áp, bánh lái gió, cánh quạt, mô tơ điện, bộ sạc điện gió, bộ sạc từ, pin năng lượng mặt trời,…
Mô hình máy phát điện của thầy Phạm Công Danh (Ảnh: Trúc Linh)
Nguyên lý hoạt động như sau: Khi có gió sẽ làm cho cánh quạt quay nhờ bánh lái gió, truyền động qua 1 mô tơ để tạo ra dòng điện xoay chiều. Từ mô tơ điện được truyền dẫn qua cổ gốp điện đưa dòng điện về máy biến áp, chuyển từ nguồn điện xoay chiều công suất thấp đúng với đầu vào của bộ sạc. Từ máy biến áp được kết nối qua bộ sạc kết nối về ắc quy tích trữ điện. Tấm pin năng lượng mặt trời thì chuyển đổi quang năng của ánh sáng mặt trời thành điện năng.
Dòng điện được tạo ra từ ánh sáng sẽ được dẫn tới bộ sạc để điều hòa tự động. Cả 2 nguồn điện trên được truyền đến và dự trữ trong ắc quy. Tại đây, qua bộ chuyển đổi điện Inverter sẽ chuyển dòng điện sao cho phù hợp để kết nối với các thiết bị sử dụng điện như đèn, quạt, tivi…
Chia sẻ về cơ duyên chế tạo ra chiếc máy phát điện này, thầy Danh cho biết là vì muốn những bà con ở vùng sâu vùng xa chưa có điện lưới có thể sử dụng điện với chi phí thấp. Trong một lần đi công tác tại vùng sâu, chứng kiến cảnh bà con thiếu thốn điện, nhiều nhà còn phải dùng đèn dầu, ý nghĩ về một chiếc máy phát điện cũng được hình thành.
Nhận thấy điều kiện của địa phương vốn lắm nắng nhiều gió, thầy Danh đã bắt tay vào tự mày mò chế tạo chiếc máy phát điện sử dụng sức gió và nắng. Thầy cho biết “trung bình một sản phẩm làm ra của mô hình sẽ cho thời gian sử dụng khoảng 2 giờ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản như quạt, đèn, tivi và các thiết bị tiêu thụ điện.”
Máy phát điện 2 trong một thân thiện với môi trường, không tốn nhiên liệu. Chí phí đầu tư sản xuất cũng không cao, chỉ 5 triệu/máy.