Chuyện hàng loạt biển số xe đẹp được đấu giá thành công với giá tiền tỷ, có những biển hàng chục tỷ đồng đang khiến dư luận xôn xao mấy ngày nay.
Nhiều người xuýt xoa về độ giàu có của những nhân vật dám bỏ ra số tiền tương đương cả triệu USD chỉ để mua biển số. Nhiều người tò mò không biết đại gia hay thiếu gia nào chịu chơi đến vậy. Và cũng không ít người tỏ ra không hiểu, họ bỏ cả số tiền “không tưởng” như vậy cho một cái biển để làm gì?
Biển số là để “định danh” chiếc xe, để cơ quan chức năng tìm ra các thông tin liên quan đến “nhân thân, lý lịch” chiếc xe đó khi cần thiết. Nhưng xe với người Việt là tài sản khá quan trọng, cũng là phương tiện thiết thân, gắn bó hằng ngày nên chuyện quan tâm đến biển số, muốn có số “đẹp” cũng là bình thường.
Quan niệm dân gian từ Tây sang Đông đều cho rằng có những con số may mắn, những con số rủi ro, người Việt Nam cũng thế. Nhiều người tin rằng biển số “đẹp” sẽ giúp họ được an toàn trong các cuộc hành trình, gặp nhiều may mắn trong chuyện làm ăn, công danh sự nghiệp…
Nhưng chuyện bỏ ra số tiền lớn có khi còn hơn cả giá trị chiếc xe để sở hữu biển đẹp lại không đơn giản chỉ vì thế. Với nhiều người, chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là “mặt mũi” để trưng ra ngoài. Biển số xe, vì thế, là thông điệp về sự giàu có, vị thế và đẳng cấp xã hội, là một trong những dấu hiệu “để thiên hạ biết mình là ai”.
Với quan niệm đó, những biển số được cho là đẹp ngày càng bị săn lùng và trở nên đắt giá. Khi chiếc xe đắt tiền có biển số “siêu đẹp” xuất hiện nơi công cộng, luôn có những lời xuýt xoa bàn tán, đoán già đoán non không biết chủ nhân của nó là “thần thánh phương nào”, giàu có và quyền lực đến đâu, phải tốn bao nhiêu tiền để có được cái biển số quý giá kia…
Biển số xe được đấu giá cao kỷ lục chiều 15/9.
Những biển số “xuất chúng” không chỉ đem lại cảm giác siêu việt, “phượng hoàng giữa bầy gà” cho người sở hữu chúng, mà nhiều khi còn được sử dụng như một thứ chứng chỉ để dễ dàng tìm kiếm các mối làm ăn béo bở. Sự thuận lợi này dựa trên niềm tin rằng người có tiền mua cái xe, gắn cái biển “khủng” như vậy chắc chắn năng lực tài chính phải rất ghê gớm.
Thế nhưng người đời cũng đã bao lần chứng kiến những cú hạ màn gây “bật ngửa” khi nhân vật được ngưỡng vọng vì gia tài tiền muôn bạc vạn hóa ra là “đại gia dỏm”. Đã bao lần, thiên hạ chưa kịp phai mờ ấn tượng về đám cưới vương giả với cả dàn xe sang biển số “không dành cho người thường” thì sự thật về gia đình ấy đã lộ ra: Từ lâu họ đã làm ăn bết bát, nợ đầm đìa, số nợ lớn gấp mấy lần tài sản.
Không ít người đã phải ngậm đắng nuốt cay khi đầu tư số tiền lớn vào “đại gia ảo” rồi mất trắng, chỉ vì tin vào sự hào nhoáng của siêu xe và biển số “quý tộc”.
Ở một khía cạnh nào đó, chuyện cái biển số xe thể hiện bản tính chạy theo giá trị ảo của một bộ phận người Việt. Việc chạy theo giá trị ảo dẫn đến cách làm ăn dựa trên hình thức, phán đoán theo biểu hiện bên ngoài.
Ngẫm mà xem, những tỷ phú giàu có, quyền lực nhất thế giới như Warren Buffet, Bill Gates, Mark Zuckerberg… chẳng ai bỏ ra cả triệu USD để chọn biển số cho chiếc xe của mình. Đẳng cấp và vị thế của họ không cần được chứng tỏ bằng một yếu tố mang tính hình thức nào. Các đại gia thật sự ở Việt Nam chắc cũng vậy.
Nhiều nước trên thế giới cũng bán trực tiếp, bán đấu giá hoặc thu phí cao hơn bình thường đối với biển số xe tự chọn, và đặc điểm tính cách, văn hóa của con người nơi đó thể hiện phần nào ở thực tế diễn ra hoạt động này. Các cuộc đấu giá ở xứ sở dầu mỏ UAE khá sôi động khi giới nhà giàu coi trọng sự hiếm lạ của biển số xe, trong đó kỷ lục về mức giá 14,3 triệu USD thuộc về tấm biển chỉ có con số duy nhất: 1.
Ở nhiều nước phát triển phương Tây, việc đóng thêm tiền để được chọn biển số xe chủ yếu để phục vụ nhu cầu cá nhân hóa – chiếc xe mang những dấu ấn riêng tư của chủ.
Người dân Mỹ có thể đóng thêm 35-60 USD để “cá nhân hóa” chiếc biển số xe của mình (họ được phép thêm biểu tượng trái tim, ngôi sao, ảnh chân dung bản thân…) và 19-31 USD phí duy trì mỗi năm. Một số bang cho phép chủ xe tự thiết kế mẫu biển số, chẳng hạn các tổ chức, cá nhân có thể thiết kế mẫu biển với logo và khẩu hiệu đặc trưng.
Ở Australia, với việc đóng thêm tiền, người dân được chọn các ký tự cho biển số, kích cỡ, màu sắc biển, các hình trang trí... Một người bạn của tôi mới đây chọn biển số gồm 5 chữ cái tên cô ấy gắn với một chữ số là tháng sinh. Cô cho biết nhiều người khác cũng đăng ký biển theo cách chọn những ký tự và chữ số có ý nghĩa với mình như vậy.
Ở Đức, biển số xe bắt đầu bằng chữ cái viết tắt tên thành phố hoặc khu vực nơi đăng ký, phần sau thì chủ xe có thể tự chọn, và thường là chi tiết rất riêng liên quan đến cuộc đời họ, chẳng hạn như ngày, tháng hoặc năm sinh, chữ cái đầu tên riêng…
Với những cách chọn lựa kể trên ở Đức, Mỹ, Australia, vẻ đẹp của biển số là dành riêng cho chủ xe, chỉ họ hiểu rõ, chứ không phải để trưng ra cho thiên hạ lác mắt thán phục độ chịu chơi, giàu có của mình như cách mà nhiều người Việt Nam đang làm. Đây là sự khác biệt về trình độ phát triển tinh thần của con người.
Ở Việt Nam, quan niệm về biển số đẹp, về giá trị cuộc sống cũng như tính sĩ diện, chuộng hình thức chưa thay đổi, việc bán đấu giá công khai là giải pháp tốt thu lợi cho cộng đồng. Tuy nhiên, nếu mọi người coi trọng giá trị thật hơn những thứ ảo bên ngoài, có lẽ lợi ích mà toàn xã hội thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với số tiền đấu giá kia.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.