Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thất bại cay đắng trước Thái Lan mở đường cho đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup

(VTC News) -

Đội tuyển nữ Việt Nam thực hiện được giấc mơ tham dự World Cup sau 2 lần thất bại.

Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ xuất hiện trên sân cỏ World Cup lần đầu tiên vào 8h sáng mai (22/7). Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang chờ đợi khoảnh khắc Quốc ca vang lên ở sân vận động Eden Park (Auckland, New Zealand) khi thầy trò HLV Mai Đức Chung chạm trán đội tuyển Mỹ.

Đối với ông Phan Anh Tú - cựu Trưởng ban bóng đá nữ LĐBĐ Việt Nam (VFF), từng là trưởng đoàn của đội tuyển nữ quốc gia trong nhiều năm và 2 lần trượt tấm vé dự World Cup, màn chào sân sắp tới của đội nhà gợi nhiều cảm xúc đặc biệt. Nỗ lực bền bỉ sau 2 lần thất bại - đặc biệt là thua Thái Lan ở vòng play-off năm 2014 - giúp bóng đá nữ Việt Nam gặt hái thành quả.

- Đội tuyển nữ Việt Nam sắp đặt bước chân đầu tiên ở đấu trường World Cup. Cảm xúc của ông thế nào trước khoảnh khắc lịch sử của bóng đá nước nhà?

Chúng tôi đã dự đoán được điều đó từ lâu. Bóng đá nữ Việt Nam rồi sẽ vào vòng chung kết World Cup thôi. 

Cách đây 9 năm, đội tuyển nữ Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong trận play-off tranh suất dự World Cup với Thái Lan, nhưng chuyện thắng thua nhiều khi phụ thuộc vào may mắn nữa. Trong một trận đấu cân bằng, một bàn thắng thôi cũng mang ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ là vấn đề trình độ, mà cả may mắn nữa. May mắn rồi sẽ đến với chúng ta ở thời điểm nhất định.

Ông Phan Anh Tú (phải) đã song hành ở nhiều đấu cùng HLV Mai Đức Chung và đội tuyển nữ Việt Nam.

Để giành quyền tham dự World Cup lần này, chúng ta hay rồi, nỗ lực rồi đó nhưng có cả sự may mắn đi kèm. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng ảnh hưởng đến các đội, chúng ta có thể giành vé đi World Cup thì đó vừa là nỗ lực, vừa là sự may mắn. Khi trình độ chuyên môn ngang bằng, yếu tố may mắn rất quan trọng. 

Việc tham dự World Cup nằm trong tầm tay của đội tuyển Việt Nam với nguồn lực hiện có. Chúng ta có hệ thống giải vô địch quốc gia, cúp quốc gia, các giải trẻ từ U16, U19,… Bên cạnh đó chúng ta có hệ thống đào tạo trẻ tại các câu lạc bộ và các cầu thủ trẻ được đào tạo rất bài bản tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF. HLV Mai Đức Chung có nguồn cung cầu thủ tốt hơn, sớm thích nghi với đội tuyển, tạo thuận lợi cho việc dụng binh của HLV trưởng.

- Ông vừa nhắc đến ký ức cách đây 9 năm. Có lẽ rất nhiều người tin rằng đáng ra đội tuyển nữ Việt Nam phải dự World Cup từ năm 2015 chứ không phải đợi đến bây giờ.

Năm đó chúng ta có điều kiện thuận lợi là thi đấu trên sân nhà. Đội tuyển Việt Nam sở hữu nửa tấm vé rồi nên khi để mất thì ai cũng tiếc nuối thôi.

Sau đó tôi có cơ hội cùng đội tuyển giành quyền dự World Cup 2019 khi thi đấu ở vòng chung kết Asian Cup 2018 tại Jordan. Toàn đội đi tập huấn ở Đức rồi bay thẳng tới Jordan dự giải. Tuy nhiên khi đến Jordan, thời tiết thay đổi đột ngột khiến nhiều cầu thủ cảm cúm. Do đó chúng ta nhận nhiều trận thua rất nặng trước các đối thủ mạnh.

Qua những dịp đó, tôi muốn nói lại rằng, cơ hội đi World Cup thông qua suất play-off nằm trong tầm tay của đội tuyển Việt Nam, cũng như Thái Lan và Philippines. Vấn đề còn lại nằm ở sự may mắn, thông qua bốc thăm hay lịch thi đấu. Năm 2018, chúng ta rơi vào bảng mạnh với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, Thái Lan cùng bảng với Philippines, Trung Quốc và Jordan.

Chuyện xa quá nên tôi không nhớ rõ, nhưng tôi chắc chắn rằng đội tuyển nữ Việt Nam rất tự tin trước khi ra sân đối đầu với Thái Lan ở trận play-off nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thật tiếc, may mắn không đứng về phía chúng ta.

Chiêm ngưỡng bàn thắng của Thanh Nhã vào lưới đội tuyển Đức.

- Đó là một thất bại cay đắng.

Đương nhiên toàn đội rất buồn. Cơ hội trong tầm tay rồi trong khi ta lại có lợi thế thi đấu trên sân nhà. Tuy nhiên, tâm lý cầu thủ khi vào trận khá căng thẳng. Cầu thủ nhận được sự kì vọng lớn của người hâm mộ, đặc biệt trước đấy chúng ta từng thắng Thái Lan ở một vài giải đấu chính thức. Do đó, đội tuyển nữ Việt Nam rất tự tin vượt qua Thái Lan.

Kì vọng lớn thì áp lực tâm lý của cầu thủ cũng lớn theo. Khi bị thua 2 bàn, tâm lý của cầu thủ trở nên căng cứng. Nếu thi đấu trận ấy ở sân khách, tôi nghĩ diễn biến sẽ thuận lợi hơn. 

- Sau trận đấu đó, đội tuyển nữ Việt Nam chia tay HLV Trần Vân Phát. VFF đã tính toán ra sao trước khi có lời mời HLV Mai Đức Chung trở lại?

VFF ghi nhận đóng góp của ông Trần Vân Phát. Ông ấy đã rất thành công rồi nhưng chúng ta cũng cần có sự đổi mới. Những người thành công rồi thì thường hay bám theo cách làm cũ và dễ dẫn đến lối mòn. Đó là điều dễ hiểu trong thể thao. Ngoài ra ông Phát cũng trở về nước vì lí do cá nhân.

Lúc đó chúng ta cần phải đổi mới để vượt ngưỡng, bứt phá và tiếp cận top châu Á nên cần một HLV có đẳng cấp cao hơn đến từ các nước có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc tìm được người phù hợp cho bóng đá Việt Nam cũng là vấn đề phải kiểm nghiệm, đôi khi phải trả giá vì quản lý bóng đá nữ không phải dễ. Phụ nữ có những đặc điểm riêng mà không phải ai cũng quản trị được.

Sau khi ông Phát nghỉ, chúng tôi đã có nhiều ý tưởng về việc đưa về những HLV cao cấp hơn. Chúng ta mời HLV Nhật Bản là Takashi Sekizuka làm HLV trưởng nhưng ông ấy không thành công. Chúng tôi quyết định mời HLV Mai Đức Chung nắm quyền.

Ông ấy là người có kinh nghiệm và kiến thức. Khi làm bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung điềm đạm, công tâm và gần gũi. Vì vậy việc đưa kiến thức và kinh nghiệm, trong bối cảnh quản trị và quản lý như vậy, sẽ rất thích hợp. Chúng ta biết rằng HLV giỏi, có kinh nghiệm, có bài tập hay mà VĐV không "nuốt" được, không thích nghi được thì cũng chưa phải là cách làm đúng. Làm sao để VĐV hấp thu được mới là một HLV giỏi.

HLV Mai Đức Chung có kinh nghiệm bóng đá nữ rồi, đồng thời kiến thức nghề của ông Chung rất tốt. Bên cạnh đó, công tác quản trị của ông Chung rất phù hợp với bóng đá nữ. Với tiềm năng như thế, thành công với HLV Mai Đức Chung là điều tất yếu và hợp lý thôi.

HLV Mai Đức Chung đưa bóng đá nữ Việt Nam đến đỉnh cao.

- Đội tuyển nữ Việt Nam tham dự World Cup là dấu mốc lịch sử. Sự kiện này liệu có thể tạo ra sự thay đổi cho bóng đá nữ Việt Nam?

Bóng đá nam và nữ đều có hoàn cảnh riêng, nhưng bóng đá nữ về cơ bản vất vả hơn. Thành công của bóng đá nữ sẽ tạo cảm hứng cho bóng đá Việt Nam, tạo cảm hứng cho các cầu thủ trẻ.

Nhờ hiệu ứng World Cup này, các cầu thủ trẻ đỡ áp lực từ gia đình. Bên cạnh đó, các cầu thủ trong thành phần đội tuyển cũng được chăm sóc, quan tâm của truyền thông, lãnh đạo cũng như doanh nghiệp. Đó là điều tốt để tạo nguồn lực cho bóng đá nữ phát triển.

Tôi biết nhiều cầu thủ rất vui mừng. Họ xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn và đổi đời nhờ bóng đá. Chức vô địch ở các giải quốc tế giúp các tuyển thủ thay đổi cuộc sống. Họ có thêm kinh tế, giúp đỡ gia đình xây dựng nhà cửa, đi học.

Những cầu thủ đạt thành tích cao sau khi giải nghệ nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, VFF và các trường đại học. Ví dụ như Minh Nguyệt, Ngọc Anh hay Ngọc Châm được biên chế vào Sở văn hóa thể thao Hà Nội. Hay Vũ Thị Tân muốn xin vào nhà máy sữa gần nhà ở Gia Lâm. Lãnh đạo liên đoàn cũng giúp đỡ, móc nối để giúp Tân có một vị trí làm việc trong nhà máy. Văn Thị Thanh hiện làm cán bộ ở Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Hà Nam. Hay hiện nay trong ban huấn luyện đội tuyển cũng gồm nhiều cựu tuyển thủ như Kim Chi, Minh Nguyệt, Kim Hồng, Bích Hạnh.

- Lần đầu tiên tham dự World Cup, lại rơi vào bảng đấu khó, chúng ta kì vọng gì ở đội tuyển nữ Việt Nam? Thái Lan ở giải đấu năm 2019 từng thua đội tuyển Mỹ tới 0-13.

Có đội bóng dẫn đường thì các đội bóng sau sẽ rút kinh nghiệm. Thái Lan là đội Đông Nam Á đầu tiên tham dự nên bị ngợp. Bên cạnh đó khoảng cách trong bóng đá trước đây rất lớn nhưng dần dần mọi thứ được thu hẹp lại.

Với bài học như vậy, các nước sau chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tập huấn tốt hơn. Họ gặp nhiều đối thủ mạnh như vậy nên sẽ thích nghi nhanh. Để chuẩn bị cho các giải đấu khác nhau, đẳng cấp khác nhau thì mục đích huấn luyện cũng phải khác để phù hợp từng giải.

Đội tuyển nữ Việt Nam sẵn sàng trước những thử thách khó ở World Cup.

Tôi cho rằng nếu tham dự những kì World Cup sau nữa, mục tiêu của chúng ta vẫn là cải thiện hơn và có thể gây bất ngờ. Vấn đề về tầm vóc, thể lực, nòi giống đòi hỏi phải có thời gian dài, đầu tư lớn cho thế hệ sau này, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bóng đá ngày càng thu hẹp hơn nhưng để thực hiện mục tiêu lọt vào top đầu thế giới thì có quá nhiều yếu tố lớn. Với các quốc gia Đông Nam Á, mục tiêu đó rất khó. Vươn tầm top châu Á đã là khó rồi. Nếu lạc quan, ở lần tham dự World Cup tiếp theo, chúng ta cố gắng đạt tỉ số phù hợp hơn, còn lên đỉnh cao hơn thì chưa thể làm được.

Sau thành công lớn dưới thời HLV Mai Đức Chung, cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp thì ông ấy cũng cần nghỉ ngơi. Bóng đá nữ Việt Nam cũng phải bứt phá vượt ngưỡng hơn. Chúng ta cần phải thay đổi một cách tiếp cận mới, một triết lý mới để tạo cảm hứng mới. Việc này đòi hỏi cần có HLV có đẳng cấp cao hơn để có cách đưa bóng đá nữ Việt Nam vượt tầm Đông Nam Á, tiếp cận dần trình độ Đông Bắc Á.

Cuộc cách mạng nào cũng cần thời gian, thậm chí là trả giá. Vấn đề quan trọng nhất là tầm nhìn và sự kiên trì.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Văn Hải

Tin mới