Phùng Ngọc vừa trở về Sài Gòn sau hơn một tháng lên Đà Lạt làm mướn. Anh bảo chuyến đi lần này sai lầm vì lên đó vào đúng mùa bão, không thể mở tiệm cắt tóc, mưa gió nên cũng không nhiều chỗ mướn người hái cà phê. Về quê nhà Bình Dương, anh tiếp tục chạy xe ôm nhưng lại nung nấu ý định ra Quảng Trị kiếm việc làm.
Gặp “thằng Cò” ở Sài Gòn trong buổi trưa nắng khi anh từ Bình Dương đi giao hàng cho khách, anh bảo mình có hẹn những ân nhân từng giúp anh chi phí phẫu thuật ngón tay vào năm 2015 để cảm ơn. Ngồi nhấm nháp ly cà phê đen, Phùng Ngọc lặng lẽ kể lại câu chuyện cuộc đời.
Sau 'Đất phương Nam' phải học nghề cắt tóc để mưu sinh
Phùng Ngọc kể năm anh 11 tuổi, được một ông bác dắt vào Đài Truyền hình TP.HCM tham quan. Lúc đó đang đi dạo thì gặp phó đạo diễn phim Đất phương Nam, anh này bảo đoàn phim đang thiếu một vai và hỏi cậu nhóc có muốn thử không.
Phùng Ngọc đồng ý vào thử vai, không ngờ được đạo diễn Vinh Sử giao luôn vai thằng Cò, nhân vật cũng phù hợp với anh nên không cần phải diễn nhiều, cứ như “đang bê đời mình lên phim”.
Anh bảo thời gian đóng Đất phương Nam kéo dài và cực khổ vì phần lớn phải quay ở đầm lầy, bốc mùi hôi thối nên người lúc nào cũng bẩn. Nhưng đó lại là ký ức đẹp trong cuộc đời của “thằng Cò” bởi sau đó, số phận dường như lãng quên anh.
Sau khi đóng xong Đất phương Nam, Phùng Ngọc theo cha về Bình Dương tiếp tục với cuộc sống. Những năm sau đó, anh được mời đóng phim Đôi bạn của đạo diễn Ngọc Châu, một vai nhỏ trong Cầu thang tối của Phú Hải, hay Bình minh châu thổ, Ông nội và cháu đích tôn.
Song, sự nghiệp phim ảnh của Phùng Ngọc đã sớm dừng lại. Sau hơn 20 năm, anh chỉ đóng lác đác vài phim trong khi thực tế cuộc sống lại kéo anh theo ngã rẽ khác.
Ở quê khi ấy, Phùng Ngọc đã thành một chàng trai nhưng công việc đóng phim lại bấp bênh, cát-xê kiếm được cũng không đủ sống. Anh nghe lời cha, học nghề cắt tóc để có việc làm ổn định.
Cơm áo gạo tiền đã biến “thằng Cò” của năm nào thành một người già trước tuổi, mặt nổi đầy mụn, vóc dáng to béo không ai còn nhận ra. Mặc cảm hoàn cảnh, tự ti về ngoại hình, Phùng Ngọc không còn tha thiết đến việc đóng phim. Hết cắt tóc, anh lại chạy xe ôm và làm bất kỳ công việc nào để kiếm tiền.
Thỉnh thoảng chở khách đi xa, anh bắt gặp các đoàn phim trên đường, cảm giác ngày xưa ùa về, Phùng Ngọc dừng xe và đứng nhìn mọi người diễn.
Số kiếp “thằng Cò” đã vận vào đời tôi
Sau Ông nội và cháu đích tôn, Phùng Ngọc không còn phim để đóng. Anh bắt đầu cuộc sống lang bạt từ dạo ấy. Có một khoảng thời gian, anh mở tiệm cắt tóc ở Sài Gòn, ngay góc Trần Phú - An Dương Vương, sau về Bình Dương kiếm sống.
Ở quê nhà, anh thuê căn phòng nhỏ sống tạm qua ngày. Khi tiệm cắt tóc không còn đông khách, anh bắt đầu chạy xe ôm, làm bốc vác… Ở mãi một nơi khá buồn chán, Phùng Ngọc rong ruổi từ Vĩnh Long đến Cần Thơ để tìm việc làm.
“Tôi cũng ở trọ, đến đâu tôi cũng ở trọ thì việc gì phải ngại”, Phùng Ngọc nói. Thế rồi, anh tìm đường đi Phú Quốc và sống hơn một năm ở mảnh đất này. Khoảng thời gian ở đây, anh được các đạo diễn mời đóng phim nhưng không có tiền xe di chuyển nên đành từ chối.
Tết năm 2015, anh cũng không đủ tiền về quê nên quyết định ở lại, vào sâu trong rừng hái sung, cột thành bó và mang ra chợ bán. Mỗi ngày anh kiếm cũng được khoảng vài trăm nghìn.
“Có lẽ thằng Cò đã vận vào số kiếp của tôi nên thành ra tôi như cánh cò bay hoài không mỏi và cũng chưa có ý định dừng lại ở bất kỳ nơi đâu”. Rồi Phùng Ngọc tiếp tục lên Đà Lạt nhưng cuộc sống ở đây khó khăn hơn anh nghĩ.
Vào đúng mùa mưa bão, anh không kiếm được việc làm, nhà trọ lại đắt đỏ nên gương mặt nhí của màn ảnh năm nào phải vào bệnh viện để tìm chỗ ngủ. Ban đầu, bảo vệ bệnh viện cứ đi theo vì đề phòng trộm cướp, Phùng Ngọc nói rõ hoàn cảnh nên người ta thương tình cho anh tá túc.
Không mở tiệm cắt tóc được, “thằng Cò” quyết định đi làm mướn. Anh bảo trông vóc dáng thế thôi chứ mình khỏe lắm, bốc vác đều làm qua nên không ngại việc nặng nhọc. Đi hái cà phê cho người ta suốt hơn một tháng, họ chưa có tiền trả nên anh cứ lang thang ở Đà Lạt. Hành trình mới kết thúc sớm hơn dự tính, Phùng Ngọc đành về Bình Dương tìm việc.
Trong cuộc trò chuyện, anh bảo năm sau sẽ ra Quảng Trị để “đổi gió”. Anh chưa biết sẽ làm gì nhưng có người bạn rủ đi nên anh cũng khá háo hức.
Vợ chia tay vì không chịu được cách sống lang bạt
Năm 2004, Phùng Ngọc lập gia đình với một cô gái cùng quê. Nhưng không bao lâu họ chia tay vì cô vợ không chịu được cuộc sống lang bạt của chồng. Cuộc sống hôn nhân kéo dài cho đến một ngày, họ nhận thấy không thể tiếp tục được nữa và dọn ra ngoài sống riêng.
Anh bảo mình có lỗi, vì bất kỳ ai cũng không thể chấp nhận cảnh chồng “rày đây mai đó”. Kỳ lạ, họ chẳng đưa nhau ra tòa ly dị, trả lại danh phận cho nhau vì chẳng ai yêu cầu ai làm điều đó.
Thỉnh thoảng, Phùng Ngọc và vợ cũ gặp lại và hỏi thăm về cuộc sống của nhau. “Cô ấy giờ ăn chay trường, sống đời thanh tịnh. Tôi thì tha phương kiếm sống, chẳng biết đâu là ngày mai”, anh nói. Từ ngày chia tay vợ, anh không còn nghĩ đến tình yêu bởi “làm sao yêu được ai khi bản thân còn chẳng thể lo được cho mình”.
Từng có khoảng thời gian, người ta đồn “thằng Cò” cờ bạc, rượu chè nên mới sống đời tạm bợ. Hỏi Phùng Ngọc điều ấy, anh bảo cuộc sống muôn màu, sự thật vẫn luôn là sự thật nên không bận tâm đến tin đồn. Điều anh quan tâm bây giờ làm sao kiếm tiền để nuôi sống bản thân ngày 3 bữa.
Thế nên, nhiều người bất ngờ khi phát hiện cuộc đời Phùng Ngọc lại thảm hại còn anh lại thấy rất đỗi bình thường. Bởi anh chưa bao giờ nghĩ mình là một ngôi sao nhí, cũng không định hướng sẽ theo con đường diễn viên nên không bận lòng khi hào quang tắt ngấm.
“Ngày đó, nếu có người định hướng, có lẽ cuộc đời tôi sẽ khác. Nhưng cũng không thể trách ai được bởi thời cuộc giờ khác trước. Tôi đến thử vai cũng ngại lắm chứ, người ta mặc bảnh bao, đi xe đắt tiền còn mình quần xà lỏn, mang dép xỏ ngón và lái chiếc xe wave cùi, phong cách đâu được như họ mà đòi có vai chính”, anh tâm sự.
Dù bảo mình không mơ mộng, nhưng “thằng Cò” vẫn khát khao đóng phim, vẫn muốn có một vai diễn dù nhỏ để có tiền và thỏa mãn cảm giác sống lại một thời tươi đẹp.