An Đức Hải (1837 - 1869) vào cung năm 10 tuổi, sau được thăng lên làm thái giám hầu hạ hoàng đế Hàm Phong. Năm 1852, hai năm sau khi An Đức Hải hầu hạ cạnh Hàm Phong đế, Từ Hy vào cung. Vì muốn được nhà vua sủng ái, Từ Hy cố ý làm thân với An Đức Hải. Sau khi vua Hàm Phong chết, An Đức Hải trở thành thái giám thiết thân bên cạnh Từ Hy, chăm nom mọi chuyện ăn, ở, mặc trong cuộc sống của thái hậu.
An Đức Hải (ngoài cùng bên trái), Từ Hy Thái Hậu (giữa) và Lý Liên Anh (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Sohu)
An Đức Hải củng cố địa vị trong sự kiện đảo chính Tân Dậu sau khi Hàm Phong đế qua đời vào tháng 8/1861. Ông ta giúp Từ Hy bí mật liên lạc với Cung thân vương Dịch Hân, giúp sức cho thái hậu trong cuộc thanh trừng 8 phụ chính đại thần. Sau chính biến này, Từ Hy trở thành thái hậu nhiếp chính, còn sự nghiệp thái giám của An Đức Hải lên như diều gặp gió.
Ông ta được thăng liền hai cấp, mới 20 tuổi đã trở thành đại tổng quản thái giám. Từ Hy Thái Hậu sủng ái An Đức Hải tới nỗi còn ban hôn một thiếu nữ 19 tuổi cho ông ta, đồng thời thưởng 20.000 lạng bạc trắng làm quà cưới. Từ Hy Thái Hậu ngày càng nắm nhiều quyền lực, địa vị của An Đức Hải từ đó cũng lên cao.
Ông ta ngày ngày rủ rỉ khiến Cung thân vương Dịch Hân dần bị tước bỏ quyền "nghị chính vương". An Đức Hải cũng không để Đồng Trị đế và các vị đại thần khác vào mắt, khiến triều đình trên dưới đều bất mãn.
Năm Đồng Trị thứ 8, tức năm 1869, Từ Hy Thái Hậu muốn mua quà cưới cho Đồng Trị đế lúc đó mới 14 tuổi. An Đức Hải nhân cơ hội này muốn đi du sơn ngoạn thủy, bèn chủ động xin Từ Hy Thái Hậu giao cho việc này. An Đức Hải mang theo đoàn tùy tùng xuôi xuống phía nam, đến địa phương nào cũng vơ vét châu báu. Khi đến Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, An Đức Hải còn tát quan địa phương vì tặng ít tiền, khiến tuần phủ Sơn Đông là Đinh Bảo Trinh tức giận.
Đinh Bảo Trinh vốn là người ngay thẳng, trước đó đã bất mãn vì nghe nhiều tiếng xấu về An Đức Hải nên quyết định ra tay. Ông giao phó cho tri phủ Liễu Thành, tri phủ Tề Ninh và quan viên theo dõi sát sao hành trình của An Đức Hải, bố trí thiên la địa võng để An tổng quản chui đầu vào lưới.
Cuối cùng, An Đức Hải bị bắt khi tới Thái An và bị xử trảm tại đó. Các sử gia Trung Quốc vẫn còn tranh luận về người ra lệnh xử trảm An Đức Hải. Có người cho rằng Đinh Bảo Trinh trước khi bắt An Đức Hải đã bí mật cho người báo tin về Bắc Kinh, không thông qua Từ Hy Thái Hậu mà đến thẳng tay Đồng Trị Đế. Vua Đồng Trị vốn căm ghét An Đức Hải, đã ra lệnh giết thái giám này.
Cũng có sử gia cho rằng Cung thân vương Dịch Hân bí mật liên thủ với Đinh Bảo Trinh để lên kế hoạch giết An Đức Hải. Một giả thuyết khác là Từ Hy Thái Hậu đã thiết kế bẫy để giết An Đức Hải vì tổ huấn triều Thanh có quy định "thái giám không được tự ý rời xa khỏi cung 40 dặm", ai vi phạm sẽ bị quan địa phương xử trảm tại chỗ. An Đức Hải rời cung mà không mang theo bất kỳ chỉ dụ nào.
Khi An Đức Hải qua đời, Lý Liên Anh, 21 tuổi, trở thành "hồng nhân" mới cạnh Từ Hy Thái Hậu. Từ đó Lý Liên Anh là thái giám quyền lực nhất triều Thanh. Sau khi Từ Hy Thái Hậu qua đời năm 1908, Lý Liên Anh chủ động nhường lại địa vị cho Tiểu Đức Trương, tổng quản thái giám cuối cùng của phong kiến Trung Quốc. Lý Liên Anh chết tại Bắc Kinh năm 1911 vì bệnh kiết lỵ.