Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, nhiều người thường chủ động test nhanh COVID-19. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn, nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, mọi người cần thông báo cho y tế địa phương để họ giám sát và lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng khẳng định, nếu test nhanh cho kết quả dương tính, người dân cần bình tĩnh, thông báo ngay cho y tế địa phương xã phường, trung tâm y tế để tổ chức cách ly tại nhà hay tại cơ sở cách ly và làm xét nghiệm. Người test nhanh không tự ý đến các bệnh viện để điều trị. Việc tự ý đến bệnh viện điều trị sẽ gây lây nhiễm cộng đồng, không đúng với phân tuyến và quy trình tiếp nhận cho bệnh nhân F0.
BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cảnh báo việc người dân tự ý di chuyển tới bệnh viện không chỉ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mà còn gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện. Có ngày trên 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm dương tính đến bệnh viện. Bệnh nhân tự đến phòng khám và chờ bệnh viện tiếp nhận, làm kết quả PCR.
Khu vực khám sàng lọc của bệnh viện dù được phân luồng, nhưng bệnh nhân đến khám đông ảnh hưởng đến công tác phân luồng. Thời gian chờ đợi lâu, chỗ ngồi chờ có hạn có thể xảy ra hiện tượng lây chéo ở khu vực cách ly.
Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Ba tầng điều trị F0
Theo hướng dẫn về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội chia 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Tầng này gồm đối tượng: tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.
Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, được tiếp nhận ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương..
Những ngày gần đây, F0 ở Hà Nội tăng nhanh, khoảng từ 300 cho tới hơn 800 ca. Cao điểm ngày 11/12, toàn thành phố ghi nhận tới 863 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Hà Nội ghi nhận 16 chùm ca bệnh phức tạp, trong đó, ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất.