Reuter dẫn thông báo của Lầu Năm Góc ngày 14/10 cho biết, Washington sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) thứ 2 đến phía đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza tiếp tục lan rộng. Dẫn đầu nhóm CSG thứ 2 là hàng không mẫu hạm hạt nhân USS Dwight Eisenhower (CVN-69).
Phải mất khoảng 10 ngày nhóm tàu USS Dwight Eisenhower mới có thể đến được Địa Trung Hải.
Trước đó, hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) đã đến Địa Trung Hải sẵn sàng hỗ trợ đồng minh Israel.
Trong một tuyên bố vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Nhóm CSG USS Gerald R. Ford được triển khai tới Địa Trung Hải gồm: một tàu sân bay, một tàu tuần dương và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cùng nhiều máy bay chiến đấu.
Cũng theo Reuters, sự xuất hiện của những con tàu này nhằm mục đích răn đe để đảm bảo xung đột không mở rộng, đồng thời bổ sung sức mạnh đáng kể cho khu vực vốn đã có một số tàu quân sự, máy bay và quân đội của Mỹ.
Tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford di chuyển cùng tàu hậu cần USNS Laramie ở phía đông Biển Địa Trung Hải vào ngày 11/10. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford
Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford được đưa vào hoạt động năm 2017, nó cũng là tàu sân bay hạt nhân hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Tàu Gerald R. Ford có thể mang theo thủy thủ đoàn lên đến 5.000 người. Chiều dài cơ sở của con tàu lên đến 337m, rộng 78m và chiều cao là 77m. Với lượng choán nước 100.000 tấn, USS Gerald R. Ford có thể di chuyển với vận tốc hơn 56km/h.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể chở hơn 75 máy bay quân sự, bao gồm tiêm kích trên hạm Boeing F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler, máy bay vận tải Grumman C-2 Greyhound, máy bay cảnh báo sớm trên không Northrop Grumman E-2 Hawkeye, tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-35C Lightning II và trực thăng Sikorsky SH-60 Seahawk cùng nhiều loại máy bay không người lái khác.
USS Gerald R. Ford cũng được trang bị hệ thống tên lửa phòng không RIM-162 Evolved Sea Sparrow, có khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, kể cả tên lửa diệt hạm siêu thanh. Ngoài ra, USS Gerald R. Ford cũng được trang bị hệ thống tích hợp các radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cho việc phát hiện và theo dõi các mối đe dọa.
Trong khi đó, các tàu hộ tống trong nhóm CSG như tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga Normandy, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke Thomas Hudner, Ramage, Carney và Roosevelt có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thực tế.
Tàu sân bay USS Dwight Eisenhower có thể mang theo gần 90 máy bay quân sự các loại. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tàu sân bay USS Dwight Eisenhower
USS Dwight Eisenhower là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được đưa vào hoạt động năm 1977. Tàu sân bay có chiều dài 332 m, chiều cao 74 m, lượng choán nước 101 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 56 km/h.
Hàng không mẫu hạm Dwight Eisenhower được thiết kế để chở tới 9 phi đội máy bay bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái có khả năng thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát tương tự USS Gerald R. Ford.
Giống như USS Gerald R. Ford, USS Dwight D. Eisenhower được hộ tống bởi các tàu khác như tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Philippine Sea, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Gravely và Mason...