Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Curtis Wilbur hôm 22/6 đã thực hiện “chuyến đi thường xuyên qua eo biển Đài Loan” phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, hải quân Mỹ tuyên bố.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur năm 2013. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Trung Quốc hôm 23/6 chỉ trích động thái này là “yếu tố gây nguy cơ” an ninh lớn nhất cho khu vực. Bộ Tư lệnh miền Đông quân đội Trung Quốc cho biết các lực lượng của họ đã theo dõi tàu Mỹ suốt hải trình và đưa ra cảnh báo.
“Phía Mỹ đang cố ý chơi chiêu cũ và tạo ra rắc rối, gián đoạn ở eo biển Đài Loan”, quân đội Trung Quốc cáo buộc và khẳng định “kiên quyết phản đối” điều này.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan trong khi đó cho biết tàu Mỹ đã di chuyển qua eo biển theo hướng Bắc và “tình hình giống như bình thường”.
Chuyến đi của tàu Mỹ diễn ra khoảng một tuần sau khi Đài Loan nói 28 máy bay không quân Trung Quốc, bao gồm các máy bay chiến đấu và ném bom hạt nhân, đã vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Đài Loan tự tuyên bố. Đó được cho là vụ máy bay Trung Quốc tiến vào ADIZ Đài Loan lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Sự việc diễn ra sau khi nhóm các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về một loạt vấn đề, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định dọc eo biển Đài Loan, những bình luận mà Trung Quốc xem là “vu khống”.
Một tháng trước, tàu Mỹ này cũng di chuyển qua eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc cáo buộc Mỹ “đe dọa hòa bình và ổn định”.
Hải quân Mỹ thường có các hoạt động tương tự ở eo biển Đài Loan mỗi tháng, theo Reuters. Mỹ cũng giống như nhiều nước khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, song có sự ủng hộ quốc tế quan trọng và là nhà bán vũ khí lớn đối với Đài Loan.
Căng thẳng quân sự giữa Đài Loan và Bắc Kinh lên cao trong năm qua, khi Đài Bắc phàn nàn việc Trung Quốc liên tục đưa không quân vào vùng phòng không Đài Loan.