Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm một lần trễ hẹn vận hành thương mại vào đầu tháng 5 với lý do chờ Hội đồng nghiệm thu nhà nước “xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư”.
Tàu Cát Linh – Hà Đông chưa xác định ngày vận hành thương mại.
Ngay khi thông tin này được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra, rất nhiều ý kiến đã lập tức bày tỏ sự thất vọng, thậm chí là bức xúc.
"Lỡ mãi thành quen rồi, chắc còn phải lỡ vài lần như thế", độc giả Thanh Yến (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói. Theo chị Yến, chị đã theo dõi thông tin về dự án từ rất lâu, nhiều lần bức xúc vì dự án kéo dài, hẹn nhiều lần nhưng rồi thất hứa. Lần này, khi biết dự án đã được cấp chứng nhận an toàn, chỉ còn đợi thủ tục để chạy thương mại đúng hẹn 1/5, chị đã tin sắp có dịp được trực tiếp trải nghiệm đi tàu. "Thế nhưng Bộ GTVT đột ngột thông báo dừng, mọi hy vọng bị dập tắt. Người dân cũng chỉ nhận được lời giải thích thiếu thuyết phục, không gì bức xúc hơn", chị Yến nói.
Trong khi đó, nickname phuongngo1984 đặt câu hỏi: "Mới hôm 28/4, Bộ GTVT còn thông báo dự án đã được cấp chứng nhận an toàn, không có thông tin gì về việc có thể lỡ hẹn. Tại sao bất ngờ lại có sự thay đổi? Rõ ràng Bộ có thể lường được tình huống này, vì quy trình, thủ tục là những điều đã được hoạch định từ trước. Tại sao phải chờ đến phút cuối mới thông báo?".
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, thông tin dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ mốc vận hành ngày 1/5 được chia sẻ liên tục và nhận nhiều phản hồi của cộng đồng mạng, hầu hết đều tỏ ra thất vọng vì đã ngóng chờ dự án này từ nhiều ngày nay. "Vốn đã quen dự án này hẹn rồi lại thất hẹn, nhưng lần này quả thật thấy thiếu sự tôn trọng. Bộ GTVT nói mong người dân thông cảm, nhưng cách thông báo thông tin của cơ quan này không ổn. Chiều mới phát đi thông tin và người dân biết đến rộng rãi vào tối muộn, trước thời điểm được hẹn chỉ hơn 1 ngày. Hơn nữa, lý do đưa ra cũng rất thiếu thuyết phục", một cư dân mạng bình luận.
Nhiều người khác cũng thất vọng vì "mừng hụt" khi đã sẵn sàng chờ đón dự án triển khai giờ lại không biết đến bao giờ hoạt động. Không ít người tỏ ra hoài nghi vào cái hẹn "sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5" mà Bộ GTVT vừa đưa ra. "Đến giờ chưa biết ngày vận hành thương mại là ngày nào, liệu có phải chỉ chậm vài ngày không?", chị Thanh Huyền ở Thanh Xuân, Hà Nội đặt câu hỏi.
Chia sẻ với VTC News sáng 30/4, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cũng bày tỏ sự thất vọng khi hay tin tàu Cát Linh – Hà Đông lại lùi ngày khai thác thương mại. “Người dân hy vọng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sớm đưa vào khai thác, nhưng càng chờ càng thất vọng. Tuy vậy, nói xuôi nói ngược thì cuối cùng vẫn phải đưa đoàn tàu vào vận hành, không thể cứ hứa rồi lại chậm tiến độ, rồi lại hứa”, ông Long nói.
Theo ông Long, lý do Bộ Giao thông vận tải đưa ra lần này không thuyết phục được người dân. Vì những cái đó đều có thể tiên liệu từ trước. Và quan trọng hơn, đến bây giờ người dân vẫn chưa thể biết được chính xác ngày nào tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào vận hành chính thức.
“Còn bao nhiêu cái hẹn nữa? Nếu chưa hoàn thành, chưa đưa dự án vào khai thác được thì đừng hứa hẹn. Đừng để người dân kỳ vọng rồi lại thêm thất vọng”, chuyên gia nói thêm.
Hai ngày trước đó, trong báo cáo gửi Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng (Hội đồng Kiểm tra nhà nước) về công tác đánh giá an toàn hệ thống đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đưa ra kịch bản chạy thương mại vào ngày 1/5.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công tháng 10/2011 được áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Trung Quốc, chỉ quy định đánh giá an toàn với hệ thống tín hiệu, không có quy định đánh giá an toàn hệ thống toàn dự án.
Đối với việc đánh giá hệ thống tín hiệu (quy định của Trung Quốc do tổng thầu cấp) thời gian vận hành thử (có chở khách) không được dưới 1 năm, sau đó mới có báo cáo đánh giá cuối cùng hệ thống tín hiệu.
Để tăng tính an toàn, tháng 6/2017, Bộ GTVT đồng ý Ban quản lý dự án đường sắt ký hợp đồng đánh giá an toàn hệ thống của dự án với tư vấn ACT. Qua đánh giá, tư vấn ACT chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo cần phải khắc phục. Đến trước ngày 31/3/2021, một số nội dung trong các khuyến cáo đã được thực hiện.
Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sau đó đã thực hiện các khuyến cáo của ACT, bổ sung nhân sự để vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Ban quản lý dự án đường sắt đã làm việc cụ thể với tư vấn ACT giải trình các nội dung đã thực hiện và yêu cầu ACT cấp chứng nhận đánh giá an toàn hệ thống.
“Dự kiến ngày 28/4, tư vấn sẽ xem xét quyết định việc cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi có chứng nhận an toàn hệ thống do tư vấn ACT cấp và chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành, đề nghị Hội đồng Kiểm tra nhà nước xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án để kịp thực hiện công tác bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, văn bản của Bộ GTVT nêu.
Cuối ngày 29/4, Bộ GTVT phát đi thông cáo về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Bộ GTVT thông tin, hiện tại dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.
Trong thời gian chờ kết quả đánh giá của Tư vấn Pháp ACT, ngày 26/4/2021 vừa qua, Bộ GTVT đã có báo cáo “Hoàn thành thi công xây dựng công trình Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông” gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Đến ngày 29/4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Ngay sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ GTVT đã bổ sung báo cáo “nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng” và gửi tới Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
Bộ GTVT dự kiến, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hội đồng sẽ có xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
"Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của nhân dân và toàn xã hội", Bộ GTVT bày tỏ.