Giới chức New York hôm 13/1 thông báo sẽ hủy bỏ các giao dịch với Tổ chức Trump, chấm dứt các hợp đồng trị giá 17 triệu USD với doanh nghiệp gia đình của Tổng thống.
Chúng bao gồm một sân golf ở Bronx, một khu giải trí và hai sân trượt băng ở Công viên Trung tâm.
Quyết định này được giới chức thành phố đưa ra sau vụ bạo loạn đồi Capitol hôm 6/1. Đám đông kéo vào tòa nhà Quốc hội Mỹ sau lời kêu gọi của Tổng thống Trump để ngăn xác nhận chiến thắng của ông Biden.
"Các hợp đồng quy định rất rõ ràng. Nếu lãnh đạo một công ty tham gia vào hoạt động bất hợp pháp, chúng tôi có quyền cắt bỏ hợp đồng. Kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ Mỹ rõ ràng cấu thành hành vi tội phạm", Thị trưởng Bill de Blasio cho biết hôm 13/1.
Tập đoàn Trump cho biết họ đang lên kế hoạch chống lại quyết định này của thành phố.
Khách sạn Trump International Hotel ở thủ đô Washington. (Ảnh: Reuters)
"Thành phố New York không có quyền hợp pháp để chấm dứt hợp đồng của chúng tôi. Nếu quyết định tiếp tục làm vậy, họ sẽ nợ Tổ chức Trump hơn 30 triệu USD. Đây không khác nào hành động phân biệt đối xử chính trị, một nỗ lực vi phạm Tu chính an thứ nhất và chúng tôi có kế hoạch đấu tranh mạnh mẽ", phát ngôn viên của tập đoàn Trump cho biết.
Sau vụ bạo loạn trên đồi Capitol, nhiều chính trị gia và doanh nghiệp đang bắt đầu quay lưng với đế chế Trump.
Tại Khu Tài chính của Manhattan, Cushman & Wakefield - nhà môi giới của tòa tháp Art Deco của ông Trump tại số 40 Phố Wall đang cắt đứt quan hệ với Tập đoàn Trump. Gia đình Trump sẽ phải tìm kiếm một nhà môi giới khác để lấp đầy không gian văn phòng tại tòa tháp cao hơn 70 tầng gần Sở giao dịch chứng khoán New York.
Các ngân hàng Deutsche Bank, Signature Bank và Hiệp hội người chơi golf chuyên nghiệp Mỹ (PGA) mới đây tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Tổng thống hoặc các công ty của ông sau vụ bạo loạn tuần trước.
Twitter, Snapchat đã khóa vĩnh viễn tài khoản của Trump. Instagram cũng có động thái tương tự.
Tài khoản Facebook của ông chủ Nhà Trắng bị khóa ít nhất đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Mới đây, Youtube cũng tuyên bố khóa tài khoản của nhà lãnh đạo Mỹ ít nhất một tuần hoặc lâu hơn.
Công ty bất động sản Jones Lang LaSalle tiết lộ họ không còn kinh doanh với công ty của Trump. Jones Lang LaSalle đã tiếp thị cho Khách sạn Trump ở Washington, nhưng cho biết thỏa thuận niêm yết đã hết hạn.
Cổng giao dịch điện tử Stripe từ chối chấp nhận các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng cho chiến dịch tranh cử của Trump. Shopify cũng ngừng các gian hàng trực tuyến do Tập đoàn Trump đứng tên.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán, các bất động sản của gia đình Trump cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề sau sự kiện tuần trước.
Một trong số đó phải kể đến khách sạn Trump International Hotel tại thủ đô Washington D.C. Trong bốn năm Trump nắm quyền, rất nhiều doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài đã đặt phòng và tổ chức sự kiện tại đây. Một phần nguyên nhân là bởi nó mang cái mác cơ ngơi của Tổng thống Mỹ.
"Tình hình này có thể đảo ngược ngay bây giờ. Ai đến Washington để làm ăn cũng sẽ dè chửng ở tại khách sạn này, trừ phi toàn bộ việc kinh doanh của họ liên quan đến đảng Cộng hòa", Michael D'Antonio - biên tập viên của CNN nhận định.
Ông Noah Bookbinder, Giám đốc tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức tại Washington (CREW) cho rằng các doanh nghiệp đã tính cắt quan hệ với Trump sau khi ông rời nhiệm sở. Nhưng vụ bạo loạn hôm 6/1 thúc đẩy quá trình này. Nó cũng là cái cớ hợp lý để chấm dứt hợp đồng sớm.
Không rõ làn sóng phản đối Trump sẽ kéo dài bao lâu.
"Vài năm gần đây, ông Trump nhiều lần vượt qua chuyện này và mọi thứ rất nhanh chóng trở lại bình thường. Nhưng tôi nghi ngờ lần này không giống vậy", ông Bookbinder cho biết.