Tháng 3 năm nay, lần đầu tiên, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp thép có thị phần đứng đầu Việt Nam - chính thức lọt danh sách tỷ phú USD thế giới do tạp chí Forbes bình chọn sau một thời gian dài cổ phiếu công ty ông nắm giữ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tài sản của ông Long tính theo số lượng cổ phiếu HPG của Hòa Phát do ông nắm giữ đạt hơn 1 tỷ USD. Chủ tịch HĐQT Hòa Phát là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn một phần tư cổ phần (381,5 triệu cổ phiếu) công ty.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã tăng trưởng trên 70% trong năm 2017 và tiếp tục tăng trên 30% chỉ trong hai tháng đầu năm 2018.
Cũng giống như một số tập đoàn, công ty khác, Hòa Phát cũng đang sử dụng cổ phiếu của ông chủ hoặc các khoản đầu tư cổ phiếu khác như một tài sản đảm bảo cho các khoản vay của mình.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Hòa Phát cho thấy, tại ngày 31/12/2015, Hòa Phát có 6.116,8 tỷ đồng vay nợ.
Ông Trần Đình Long
Thuyết minh báo cáo tài chính này của công ty không đề cập chi tiết đến các khoản vay cũng như tài sản đảm bảo, nhưng viết: “Tại ngày 31/12/2015, các khoản vay ngắn hạn bằng VND và các khoản vay bằng USD với giá trị ghi sổ tương ứng là 5.394 tỷ đồng và 55,5 tỷ đồng được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn của Tập đoàn và một số cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT của Công ty”.
Cũng trong năm 2015, Hòa Phát công bố Nghị quyết HĐQT về giao dịch giữa thành viên HĐQT và công ty con.
Cụ thể, HĐQT HPG đã thông qua việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Đình Long dùng cổ phiếu của mình để đảm bảo cho Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (là công ty của HPG) được vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Thành Công với hạn mức vay là 600 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tài sản được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay là 3 triệu cổ phiếu HPG. Giá trị tài sản đảm bảo là 60 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2017, báo cáo tài chính của Hòa Phát cho biết các khoản vay ngắn hạn bằng VND và USD với giá trị ghi sổ tương ứng là 5.884,3 tỷ đồng và 1.781,7 tỷ đồng (ngày 1/1/2017 là 4.172,5 tỷ đồng và 334,2 tỷ đồng).
Và các khoản vay này cũng được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn của Tập đoàn và một số cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (cổ phiếu HPG) thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT của công ty. Tuy nhiên, Hòa Phát không thuyết minh chi tiết chủ nợ các khoản vay ngắn hạn này.
Video: Chân dung "Vua thép" và "Vua ô tô" Việt Nam lọt danh sách tỷ phú USD thế giới
Trong khi đó, nợ dài hạn của Hòa Phát đến cuối năm 2017 là 1.653,7 tỷ đồng. So với đầu năm 2017, con số này tăng 70%, từ mức 972,2 tỷ đồng.
Vay dài hạn của Hòa Phát được huy động từ một số ngân hàng, quỹ và cá nhân gồm: vay Viettinbank 22,7 tỷ đồng, lãi suất 7,9%, đáo hạn năm 2021; vay BIDV 24,7 tỷ đồng, lãi suất 9,7%, đáo hạn 2019; vay Vietcombank 132,3 tỷ đồng, lãi suất 7,6%, đáo hạn 2020; vay HSBC Việt Nam 784 tỷ đồng, lãi suất 6,93% - 7,02%, đáo hạn năm 2022; vay ANZ Việt Nam 274,9 tỷ đồng, lãi suất 7,3%, đáo hạn năm 2020; vay từ cá nhân 400 tỷ đồng, lãi suất 9,6%-12,6%, đáo hạn năm 2019...
Hầu hết các khoản vay dài hạn từ ngân hàng đều được đảm bảo bằng một số mặt hàng tồn kho của tập đoàn.