Theo ghi nhận của PV VTC News ngày 15/11, ở 6 quận nội thành, tại các điểm thu hồi xe máy cũ (đăng ký lần đầu trước năm 2002) để đổi lấy xe mới, rất ít người biết và tham gia chương trình "xe sạch - trời xanh".
Chủ đại lý trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, có lẽ chưa nhiều người biết đến chương trình "xe sạch - trời xanh". Từ hôm bắt đầu thí điểm đến nay vẫn chưa có người đến đổi xe. "Ở Hà Nội, rất nhiều xe cũ không đảm bảo chất lượng, nên chương trình này tôi thấy rất hay, song cần thời gian để tiếp cận được với người dân", chủ đại lý nói.
"Đa phần người dùng xe cũ đều là những lao động nghèo. Khi thu hồi xe cũ nát, đại lý mong sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân được thuận lợi hơn trong thay thế xe cũ hay chuyển đổi công việc”, anh T. (nhân viên tại đại lý Honda trên đường Trường Chinh) chia sẻ.
Theo anh H. (32 tuổi, trú tại Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội), một trong những khách hàng đầu tiên đến trải nghiệm đợt thí điểm đo điểm khí thải tại đại lý trên đường Nguyễn Trãi, mức thu nhập của lao động tự do thấp khiến việc đổi xe mới với tầm giá khoảng 20 triệu là rất khó. "Nếu mua xe khoảng 20 triệu đồng tôi được hỗ trợ khoảng 2 triệu theo chính sách từng hãng, từng đại lý. Dù được hỗ trợ nhưng cũng rất khó để tôi bỏ xe cũ. Tôi mong ban tổ chức thêm tiền hỗ trợ đổi xe cũng như có các nguồn vay để tôi cũng như người dân tham gia nhiều hơn...", anh H. nói.
Những ngày gần đây, chiếc xe Honda Wave mua từ năm 2015 gặp trục trặc nên anh P.B.H. (ở Cầu Giấy) mang đi bảo dưỡng. Khi đến đại lý thì biết chương trình thí điểm đo khí thải. "Đi xe thường xuyên nhưng tôi ít khi để ý đến tình trạng của xe. Hôm nay khi đến bảo dưỡng tại đại lý thì lượng khí thải vượt quá ngưỡng cho phép. Từ sau tôi sẽ để ý và đi bảo dưỡng xe thường xuyên hơn", anh P.B.H. nói.
Anh N. (là nhân viên giao hàng cho 1 cơ sở đồ ăn trên đường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù phương tiện của mình rất cũ, hỏng hóc nhiều nhưng do thu nhập có hạn nên không thể đổi xe mới. Đây là phương tiện mưu sinh suốt nhiều năm qua của gia đình anh.
Anh N.C.T., chủ chiếc xe SYM mua cách đây hơn 10 năm cho biết, chiếc xe được anh “chế” để chở hàng hóa. Xe không đèn, không còi, không yếm và không phanh. Biết xe đã “tàn” nhưng anh vẫn sử dụng vì phải bỏ ra 20 - 30 triệu đồng để mua xe mới là không thể với gia đình anh lúc này.
Tại các điểm đại lý, máy đo khí thải được lắp đặt ở cửa ra vào khu vực bảo dưỡng. Khách hàng đến bảo dưỡng, sửa xe sẽ được nhân viên của hãng thông báo chương trình đo kiểm khí thải miễn phí. Xe máy được đặt ở vị trí đo kiểm, một nhân viên khách lắp ống xả phụ trước khi đưa đầu cảm biến vào.
Việc đo kiểm với ba thông số trên màn hình là CO, HC và CO2. Anh C.M.H., kỹ thuật viên, trưởng đại lý xe trên đường Tôn Đức Thắng cho biết: "Những ngày qua, chúng tôi chào đón, hỗ trợ người dân hết sức khi tham gia chương trình. Dù là đo điểm khí thải miễn phí song có rất ít người dân biết đến chương trình".
Trong chương trình "xe sạch - trời xanh" của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngoài kiểm tra khí thải, khách hàng sẽ thực hiện hơn 40 câu hỏi khảo sát về tác động của chính sách đo kiểm khí thải tới người dân.
Sau khi thực hiện đo điểm khí thải, người dân tham gia sẽ được dán tem đạt tiêu chuẩn.
Trước đó, phát biểu tại lễ phát động chương trình "Xe sạch - trời xanh", Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, đến tháng 3/2019, Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó 2 triệu xe cũ. Để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, ông Mười cho rằng cần phải ban hành quy định đối với xe máy như việc thu hồi xe máy cũ trong những năm tới.