Theo RT, một cuộc điều tra của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã kết luận rằng James Webb (JWST) - kính viễn vọng không gian lớn nhất từng được con người chế tạo bị hư hại “không thể sửa chữa” sau vụ va chạm với một thiên thạch vào tháng 5/2022.
Cũng theo RT, cuộc điều tra do NASA phối hợp với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada thực hiện, vụ va chạm xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 22/5 đến 24/5. Kết luận của báo cáo này chỉ ra rằng James Webb khó có thể sửa chữa phần gương C3 của kính viễn vọng này.
Tuy nhiên, các cơ quan này khẳng định tác động từ thiệt hại đó là rất nhỏ so với kích thước lớn của kính viễn vọng.
Kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới James Webb. (Ảnh: TechSpot)
Mặc dù kính viễn vọng được thiết kế để chịu được những va chạm như vậy, nhưng báo cáo cho biết vụ việc hồi tháng 5 đã vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia về tác động từ một vụ va chạm với tiểu hành tinh đơn lẻ.
Dù lạc quan nhưng các chuyên gia vẫn không chắc chắn liệu hư hại ở phần gương C3 về lâu dài có ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của James Webb hay không.
Trong một báo cáo của NASA, quá trình đánh giá thiệt hại trên James Webb vẫn đang thực hiện, kính viễn vọng này vẫn đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong sứ mệnh mà nó được giao phó. Tuy nhiên vụ va chạm vào tháng 5 ít nhiều để lại ảnh hưởng đến hoạt động của James Webb.
Ra mắt vào tháng 12/2021, kính viễn vọng James Webb dự kiến thay thế kính viễn vọng không gian Hubble hoạt động từ năm 1990. Hình ảnh đầu tiên do kính viễn vọng James Webb chụp có vùng phủ sóng dài hơn Hubble đã được công bố vào tuần trước.
Kính viễn vọng không gian James Webb là một trong những dự án khoa học tốn kém nhất trong lịch sử. Chi phí ước tính ban đầu vào năm 2000 chỉ là 1 tỷ đôla, nhưng sự phức tạp của kính viễn vọng đã khiến NASA phải ngạc nhiên. Nó trở nên quá đắt đỏ, đến mức Quốc hội Mỹ gần như loại bỏ dự án. Khi kính viễn vọng được phóng vào cuối năm 2021, chi phí đã lên tới hơn 10 tỷ USD.
Nhiệm vụ chính của James Webb là cung cấp những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, tìm ra manh mối về sự hình thành, tồn tại của con người và sự sống ngoài Trái Đất. Với những công cụ mạnh mẽ, các nhà khoa học còn sử dụng James Webb để phân tích các vật thể, hiện tượng vũ trụ, bao gồm nhóm hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời như Mộc tinh.