Dân lo hết thực phẩm, bác sỹ bị kỳ thị
Raju Chhetri, một người dân sống tại Patparganj, ngoại ô New Delhi lao tới các cửa hàng thực phẩm lân cận ngay sau khi hay tin về lệnh phong tỏa 21 ngày toàn đất nước. Nhưng cuối cùng, anh về nhà mà không mua được gì.
“Tôi đi 5 cửa hàng mà chỉ mua được 1 gói bột mì. Tôi chọn loại nào cũng được, nhưng họ chẳng còn thứ gì. Túi tôi mua được có chất lượng rất kém”, Raju nói.
Hàng người chờ đợi để mua lương thực dự trữ cho 21 ngày phong tỏa. (Ảnh: AP)
Nỗi lo khan hiếm thực phẩm khiến các quầy hàng sạch bách chỉ sau 1 giờ đồng hồ. Thậm chí, nhiều người còn tranh cãi xem vì sao các cửa hàng lại đóng cửa sớm hơn thường lệ vào tối thứ 3, chỉ vì họ chưa mua được hàng theo ý mình.
Điều này là có thực bởi khi mọi tuyến đường đều bị ngăn cấm, hàng hóa khó có thể lưu thông bình thường như thường ngày. Chưa kể, dịch vụ giao nhận thực phẩm cũng bị hạn chế phần nào do các công ty vận chuyển phải giảm nhân công.
Đối mặt với thách thức này, chính quyền thủ đô New Delhi tối 25/3 tuyên bố sẽ cấp thẻ đi lại đặc biệt cho những ai làm nhiệm vụ phân phối hàng hóa thiết yếu.
Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal cho biết, thẻ này cấp qua đường dây nóng của chính quyền cho cả những người chưa có chứng minh thư nhưng đang phục vụ việc vận chuyển đồ dùng thiết yếu.
“Đây là trách nhiệm của chính quyền phải cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất cho mọi người dân. Với những ai có thẻ viên chức chính phủ đều được phép đi vào thành phố. Với những ai muốn mua thực phẩm tại các cửa hàng gần nhà, không cần phải có thẻ giới nghiêm để được đi lại. Hãy mua mọi thứ quanh nơi bạn sống”, Arvind nói.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa của nỗi phiền toái trong mùa dịch Covid-19. Mấy ngày qua lại nổi lên chuyện kỳ thị với các các y bác sĩ, hộ lý đang căng mình chống virus SARS-CoV-2. Nhiều trường hợp nhân viên y tế bị chủ nhà cho thuê dọa đuổi ra khỏi nhà vì họ bị coi là thủ phạm lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
1,3 tỷ người Ấn Độ sẽ phải trải qua 21 ngày phong toả.
Sự kỳ thị khiến cộng đồng càng thêm hoảng loạn vào thời điểm nhạy cảm này. Chính Thủ tướng Modi đã phải lên tiếng trấn an rằng, bất cứ ai có hành động kỳ thị với nhân viên y tế vì công việc của họ thì hãy sẵn sàng chịu hình phạt.
Còn Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal tuyên bố: “Không ai chấp nhận điều này. Nếu ai đó trong gia đình bạn nhiễm virus, họ, chứ không phải ai khác sẽ tới để cứu chữa.”
Video: Lao động di cư nghèo ở Ấn Độ mắc kẹt trong lệnh phong tỏa vì Covid-19
Gánh nặng sau đại dịch Covid-19
Cuộc chiến 21 ngày với virus SARS-CoV-2 bằng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc là lựa chọn bất khả kháng với chính phủ Ấn Độ vào lúc này.
Con số 606 người dương tính với SARS-CoV-2 và 10 người thiệt mạng vì Covid-19 mới chỉ là phần nổi của gánh nặng đang dồn ép lên xã hội Ấn Độ.
Thử thách kép đang chờ đợi Ấn Độ ở 3 tuần phía trước.
Điều kiện y tế còn thiếu thốn, chất lượng nhân lực ngành y còn chưa đủ sức đáp ứng cho 1,3 tỷ người và ý thức giữ gìn vệ sinh là bài toán nan giải với thử thách lớn như Covid-19.
Nhưng 3 tuần lễ phong tỏa đất nước cũng là thời gian mọi hoạt động xã hội bị đình trệ, hàng trăm triệu người lao động Ấn Độ không được làm việc để tạo ra của cải cho chính mình. Bài toán ở đây quá khó để có thể giải quyết trong chớp mắt.
Ấn Độ hiện đang xếp thứ 102 trong 117 quốc gia được đánh giá trong bảng Chỉ số Thiếu ăn Toàn cầu. 80% lực lượng lao động tại đất nước này làm việc trong khu vực phi chính thức - nơi cuộc sống hết sức bấp bênh.
Và điều còn thiếu sau lệnh phong tỏa toàn quốc chính là một gói cứu trợ nào đó cho hàng trăm triệu người ở trong hoàn cảnh như vậy. Dường như chính phủ của Thủ tướng Modi đang cân nhắc tới các gói giải pháp, nhưng ưu tiên hiện tại của họ là phải thắt chặt kiểm soát đi lại, tránh lây lan virus trong cộng đồng.
Người dân Ấn Độ thực hiện "giãn cách xã hội".
Tại các thành phố, những người dân nghèo rời bỏ công việc hàng ngày sau lệnh giới nghiêm này. Thậm chí, họ còn phải rời khỏi đô thị mà không mang theo được đồng lương của mình. Tại các miền quê, việc mở rộng giới nghiêm cũng có nghĩa vụ mùa sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Một giải pháp được đưa ra vào thời điểm này là trợ cấp 10 kg ngũ cốc mỗi người cho 800 triệu người dân Ấn Độ đang ở vào hoàn cảnh bất bênh đó.
Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ khuyến nghị chính quyền các bang rằng hãy cấp phát miễn phí các bữa ăn tươi hoặc khoản trợ cấp an ninh lương thực cho trẻ em cho tới khi nào hệ thống trường học mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sẽ cần phải có thời gian để chính sách này được thực thi.
Đó chính là thử thách kép đang chờ đợi Ấn Độ ở 3 tuần phía trước: chiến thắng Covid-19 và đảm bảo cuộc sống cho hơn 1,3 tỷ người dân của đất nước này.
Tối 24/3 có thể coi là thời điểm lịch sử với hơn 1,3 tỷ người dân Ấn Độ. Toàn bộ đất nước bắt đầu được đặt trong tình trạng giới nghiêm kéo dài trong 21 ngày.
Chỉ trong vòng 6 ngày, chính phủ Ấn Độ đã phải thay đổi biện pháp cách ly toàn xã hội tới 3 lần. Từ một ngày ‘Tự giới nghiêm’ Chủ nhật 22/3 mang đầy tính chất vận động người dân tự giác, chính quyền trung ương điều chỉnh thành 1 tuần giới nghiêm tại vùng thủ đô New Delhi.
Nhưng cuối cùng, áp lực từ số ca nhiễm SARS-CoV-2 buộc thủ tướng Narendra Modi phải đưa ra quyết định mạnh nhất, khẩn cấp: giới nghiêm trên toàn quốc trong vòng 21 ngày, để có thêm không gian và thời gian giãn cách xã hội nhằm tránh cho dịch Covid-19 bùng nổ khắp cả nước.
Thủ tướng Modi nói: “Nếu chúng ta không thể kiểm soát được tình hình trong 21 ngày sắp tới (giai đoạn đóng cửa trong cả nước), chúng ta sẽ bị kéo tụt 21 năm phát triển”.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng kêu gọi cả xã hội không được chủ quan về việc cách ly cộng đồng, ai cần cách ly, ai không phải thực hiện bởi “những suy nghĩ và ấn tượng sai lầm có thể gây nên rất nhiều rắc rối cho gia đình, bạn bè và thậm chí cả đất nước”.
Việc Ấn Độ phong tỏa cả đất nước trong 3 tuần lễ khiến lần đầu tiên, 1/3 dân số thế giới ở trong trạng thái bị kiềm tỏa vì dịch bệnh. Điều chưa từng có này cũng gây ra những rắc rối.