Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao sản phụ bị ung thư giai đoạn cuối phải đẻ mổ ở tư thế ngồi?

Do bị ung thư giai đoạn cuối, khối u di căn sang phổi và xương, cộng với việc thể trạng yếu, sản phụ mang thai bắt buộc phải ngồi 24/24h để thở.

Theo các chuyên gia ung bướu của Bệnh viện K (Hà Nội), sản phụ khi bị ung thư vú giai đoạn cuối phải đẻ ở tư thế ngồi, do khối u đã di căn vào xương, phổi, cộng với tình trạng mệt mỏi, đau đớn, thể trạng yếu nên không thể nằm, phải ngồi 24/24h để thở và mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, với người phụ nữ bị ung thư di căn, lại đang mang thai nên việc chăm sóc yêu cầu phải rất đặc biệt và toàn diện.

“Thai phụ không thể nằm để sinh mà phải đẻ trong tư thế ngồi - tư thế cực kỳ khó để mổ khi sinh. Hơn nữa, do bị ung thư giai đoạn cuối nên huyết động của người mẹ chưa ổn định, lại trên nền thể trạng suy yếu, vì vậy bắt buộc các thao tác mổ phải nhanh, chính xác để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con”, bác sĩ Cường nói.

 Do bị ung thư vú giai đoạn cuối, nên khi sinh, chị Liên phải mổ đẻ ở tư thế ngồi. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Cường thông tin, không chỉ ung thư vú mà ung thư cổ tử cung hay các loại ung thư khác đều rất nguy hiểm và gây ra những biến chứng nặng nề. Vì vậy, trước và trong giai đoạn thai kỳ, người phụ nữ cần chú ý sàng lọc phát hiện sớm ung thư, qua đó có sự tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở.

Câu chuyện về nghị lực của sản phụ Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi, trú tại Lý Nhân, Hà Nam sinh con ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư vú những ngày qua làm lay động lòng người. 

Chị Liên phát hiện mình bị ung thư khi đang mang thai được 8 tuần, khi khối u ở giai đoạn 4, đã di căn. Mặc dù đã được các bác sĩ tư vấn về sức khỏe và tiềm ẩn những rủi ro khi vừa điều trị ung thư vừa mang thai, nhưng chị vẫn quyết tâm sinh con.

Khi mang thai ở tuần thứ 31, tiên lượng sức khỏe chị có dấu hiệu phức tạp, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con, để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con. Chiều 22/5, dưới sự phối hợp của 20 chuyên gia, y bác sĩ của 2 bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K thực hiện ca mổ hy hữu này.

16h10, tiếng khóc của Bình An vang lên khiến người mẹ trẻ và ekip phẫu thuật trào nước mắt. Tiếng khóc ấy như hồi sinh, tiếp thêm nghị lực cho người mẹ trẻ tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, để được nhìn thấy con nhiều hơn, lâu hơn...

Con trai chị, Đỗ Bình An do sinh non ở tuần thứ 31, lại nặng chỉ 1,6 kg nên bé được chuyển sang Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội) để theo dõi. Còn chị Liên tiếp tục ở lại điều trị tại Bệnh viện K.

Trưa 24/5, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bé Bình An đang phục hồi tốt, đã có phản xạ và đang được cho tập ăn với 4ml sữa/lần, ngày ăn 8 cữ.

Video: Xúc động ca mổ bắt con cho sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối

Phạm Quý

Tin mới