Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao dạ dày thường xuyên gặp vấn đề?

(VTC News) -

Bác sĩ cho biết nhiều nguyên nhân khiến dạ dạy thường xuyên gặp vấn đề.

Theo Bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, là nơi chứa thức ăn trực tiếp từ miệng vào nên dạ dày phải hoạt động liên tục. Bất kể những thói quen xấu hay thức ăn gây hại nào đều có thể ảnh hưởng đến dạ dày và gây bệnh dạ dày.

Thói quen ảnh hưởng dạ dày

Ăn uống không lành mạnh

Ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa sáng hoặc ăn nhiều, ăn quá no, hay ăn khuya… đều là những thói quen khiến dạ dày bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thói quen này kéo dài sẽ khiến dạ dày hoạt động không theo quy luật chung, lâu dần gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây đau dạ dày và những bệnh lý khác. 

Ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa sáng hoặc ăn nhiều, ăn quá no, hay ăn khuya… đều là những thói quen khiến dạ dày bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Sử dụng nhiều rượu, bia

Uống nhiều rượu bia là thói quen gây hại đến dạ dày trực tiếp. Chất cồn trong bia rượu có thể làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, từ đó gây ra viêm loét dạ dày. Nếu không dừng thói quen này hoặc viêm dạ dày không được điều trị dứt điểm sẽ hình thành nên những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Đây là thói quen gây bệnh dạ dày rất phổ biến.

Lạm dụng thuốc tây

Việc sử dụng quá nhiều thuốc tây, nhất là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm là hành động gây hại rất lớn đến dạ dày. Các loại thuốc này làm suy giảm chức năng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày, gây tổn thương lớp niêm mạc này. Từ đó vi khuẩn dễ tấn công hơn khiến dạ dày gặp nhiều vấn đề. 

Sinh hoạt kém khoa học

Không chỉ ăn uống mà việc sinh hoạt thường ngày cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của dạ dày. Làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài, stress là nguyên nhân hàng đầu gây đau dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày, mệt mỏi, sút cân, chán ăn, suy giảm sức đề kháng và mắc các chứng bệnh dạ dày.

Những bệnh dạ dày phổ biến

Viêm loét dạ dày tá tràng

Là tình trạng viêm và gây loét niêm mạc dạ dày cùng phần đầu của ruột non (tá tràng). Nguyên nhân do lớp niêm mạc lâu ngày bị bào mòn, lâu dần khiến vi khuẩn tấn công và gây viêm loét.

Triệu chứng thường gặp là đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, đau vùng thượng vị, ợ chua, người mệt mỏi, xanh tái, gầy sút cân,… Bệnh cần được xác định nguyên nhân và điều trị sớm, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó điều trị. 

Trào ngược dạ dày thực quản

Đây là căn bệnh rất phổ biến ở người trưởng thành, nhất là nam giới. Axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản khiến bệnh nhân bị ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, buồn nôn, khó ăn, nuốt nghẹn… Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. 

Xuất huyết dạ dày 

Hay còn gọi là bệnh chảy máu dạ dày, đây là bệnh không quá hiếm gặp. Nguyên nhân do lạm dụng thuốc giảm đau, uống nhiều bia rượu, nhiễm khuẩn HP, niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng, hình thành vết loét sâu, ăn sâu vào lớp cơ dạ dày…

Đây là tình trạng bệnh nguy hiểm với những dấu hiệu như vã mồ hôi, đi ngoài, phân đen, da xanh tái, nôn ra máu… Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Viêm hang vị dạ dày

Là tình trạng viêm ở vị trí gần cuối dạ dày. Căn bệnh này cũng rất phổ biến và gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là những người trên 35 tuổi. Đây là nguy cơ gây loét dạ dày, viêm, xuất huyết và thủng dạ dày vô cùng nguy hiểm. 

Thủng dạ dày

Đây là một trong các bệnh cấp cứu ngoại khoa đặc biệt nguy hiểm. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bị tác động mạnh từ ngoài vào, do tai biến khi nội soi dạ dày...

Ung thư dạ dày

Ở tình trạng này, dạ dày bị tổn thương sâu, hình thành khối u ác tính và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi có những biểu hiện dễ nhận thấy như: đi ngoài phân đen, da xanh, sút cân nhanh… thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, rất khó điều trị. 

Theo Bác sĩ Dương Ngọc Vân, để tránh các bệnh lý ở dạ dày phát triển, mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh nguy cơ. Qua đó phát hiện sớm các dấu hiệu gây bệnh để có hướng điều trị đúng cách, hiệu quả.

Thanh Hải

Tin mới