Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sức mạnh vũ khí tấn công tầm xa Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine

(VTC News) -

Đây là lần đầu tiên Mỹ viện trợ cho Kiev các hệ thống vũ khí tấn công tầm xa, và được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao khả năng chiến của quân đội Ukraine.

Theo CNN, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị bổ sung thêm các hệ thống vũ khí tấn công tầm xa vào gói viện trợ cho Ukraine, sau khi chính quyền Kiev kêu gọi Washington nhanh chóng chuyển giao thêm vũ khí hạng nặng cho nước này.

Nguồn tin của CNN cho biết thông báo chính thức về việc các hệ thống vũ khí viện trợ mới sẽ được Washington công bố vào cuối tuần này, và chúng vẫn nằm trong gói viện trợ quân sự được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

Trước đó nhiều quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky từng yêu cầu Mỹ và đồng minh cung cấp thêm cho nước này các hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS. Các hệ thống vũ khí dạng này do Mỹ phát triển có tầm bắn lên đến hàng trăm km, xa hơn nhiều các mẫu MLRS của quân đội Ukraine hiện tại.

Chính quyền Biden vẫn đang lưỡng lự việc viện trợ pháo phản lực HIMARS cho Ukraine khi nó mang đến quá nhiều rủi ro. (Ảnh: Army Technology)

Dựa trên đề xuất này, quân đội Ukraine có vẻ muốn Mỹ chuyển giao cho họ các hệ thống MLRS M142 HIMARS, có khả năng triển khai nhiều loại đạn rocket và tên lửa khác nhau.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden đã không ít lần từ chối yêu cầu của phía Ukraine về việc chuyển giao HIMARS, trong bối cảnh Hội đồng An ninh Quốc gia lo ngại rằng Ukraine có thể sử dụng các hệ thống này để thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Nga.

Các quan chức Mỹ lo ngại việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể khiến Nga xem là một hành động khiêu khích và nó có thể dẫn đến một hình thức trả đũa nào đó chống lại Mỹ.

Các nguồn tin của CNN cho biết, điểm khiến Nhà Trắng lưỡng lự khi chuyển giao HIMARS cho Ukraine đó là hệ thống này có tầm bắn lên đến 300 km với phiên bản tên lửa đất đối đất chiến thuật ATACMS. Trong khi đó các phiên bản rocket thông thường chỉ có tầm bắn khoảng 30-70km.

Ngoài HIMARS, quân đội Mỹ còn có một hệ thống MLRS khác là M270 sử dụng khung gầm bánh xích, xét về khả năng cơ động rõ ràng không thể bằng HIMARS với khung gầm bánh lốp (6x6). Một điểm khác là HIMARS có thể được vận chuyển bằng các máy bay vận tải quân sự từ Mỹ thẳng đến gần biên giới Ukraine.

M270 và HIMARS có thể bắn nhiều loại rocket và tên lửa. (Ảnh: Army Recognition)

Mỗi hệ thống HIMARS hoặc M270 có thể mang theo cụm ống phóng 12 nòng hay một đạn tên lửa ATACMS. Mỗi dàn phóng di động được vận hành bởi ba binh sĩ kể cả lái xe.

Theo lục quân Mỹ, các hệ thống MLRS với những loại đạn đa dạng về tầm bắn, giúp tấn công các mục tiêu giá trị cao trong những môi trường mở, đô thị hoặc phức tạp.

Ngay cả khi được trang bị rocket không dẫn đường, M270 và HIMARS được đánh giá là có độ chính xác cao hơn so với các loại pháo phản lực mà Ukraine đang sở hữu.

Với khả năng tác chiến như nói ở trên HIMARS, Ukraine hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống vũ khí này tấn công vào các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga.

Ukraine được cho là đã thực hiện nhiều cuộc tấn công qua biên giới Nga, tuy nhiên Kiev chưa bao giờ thừa nhận những hành động này. Về phía Moskva, nước này tuyên bố sẽ có các hành động đáp trả tương xứng khi lãnh thổ của họ bị tấn công, đồng thời cảnh báo phương Tây đừng biến mình trở thành mục tiêu của quân đội Nga.

Tầm bắn của HIMARS có thể lên đến 300 km với đạn tên lửa ATACMS. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Các nguồn tin cho biết một mối quan tâm lớn khác trong chính quyền Biden là liệu quân đội Mỹ có đủ khả năng để viện trợ số lượng lớn MLRS cho Ukraine hay không, khi kho dữ trự của nước này không được đảm bảo.

Nếu Mỹ chuyển giao HIMARS cho Ukraine thì Washington đã viện trợ gần như mọi hệ thống pháo binh tốt nhất mà họ có cho Ukraine, trước đó quân đội Ukraine cũng đã nhận được các đơn vị lựu pháo M777 đầu tiên từ đồng minh.

So với HIMARS, pháo M777 có tầm bắn hạn chế hơn từ 25 km đến 40 km nhưng nó có khả năng bắn đạn pháo dẫn đường.

Trà Khánh

Tin mới