Ngày 18/12, thông tin về sức khoẻ của ba tình nguyện viên (2 nam, 1 nữ) được tiêm Nanocovax - vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm trên người, đại diện Học viện Quân y cho biết, cả ba hiện khoẻ mạnh và không có bất cứ phản ứng bất thường nào.
Những tình nguyện viên này được tiêm mỗi người một mũi vaccine với liều lượng 25 mcg. Họ được theo dõi sức khoẻ tại Viện Y Dược học Quân Sự (Học viện Quân y) trong 3 ngày (72 giờ) sau đó về nhà tiếp tục giám sát sức khoẻ. Việc theo dõi tại địa phương sẽ được cán bộ y tế xã, phường đảm nhiệm. Nếu tình hình thuận lợi, họ sẽ được tiêm mũi vaccine thứ 2 sau 28 ngày.
Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam.
Đại diện Bộ Y tế, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho biết, nếu ba tình nguyện viên trên không có phản ứng bất thường thì những người tiếp theo sẽ được tiêm sau đó 3 ngày với liều lượng tăng dần.
Như vậy, tổng cộng 60 tình nguyện viên của đợt 1 sẽ được tiêm lần lượt với liều lượng: 20 người đầu tiên tiêm 25 mcg, 20 người tiếp theo sử dụng liều cao hơn với 50 mcg và 20 người cuối cùng tiêm với liều lượng 75 mcg.
Thời gian nghiên cứu cho những tình nguyện viên tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Ông Quang cũng cho biết, trong nghiên cứu vaccine thì giai đoạn tiêm thử nghiệm được đánh giá là quan trọng nhất. Đây là giai đoạn đánh giá độ an toàn. Nếu xảy ra tai biến không mong muốn trong quá trình tiêm thì các đơn vị sẽ xử lý được.
Chính vì vậy, Công ty Nanogen sẽ thuê một tổ chức giám sát độc lập để giám sát quy trình nghiên cứu nhằm tuân thủ đề cương, phát hiện sớm các triệu chứng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tình nguyện viên. Đặc biệt, các số liệu nghiên cứu thu thập được trước và sau khi tiêm vaccine phải đảm bảo tính khách quan, khoa học và trung thực.
Theo GS.TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y, nơi tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 cho các tình nguyện viên, hiện những trường hợp gặp biến chứng sau khi tiêm vaccine trên thế giới không nhiều. Ông hy vọng Nanocovax cũng vậy. Dù nguy cơ rất thấp nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên, Học viện Quân y chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện kể cả khi xảy ra tai biến để xử lý được.
Đại diện Công ty Nanogen cho biết, nếu mọi việc diễn ra tốt, thì tới tháng 5/2021 sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vaccine. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vào vaccine vào tiêm chủng đại trà. Ngoài ra, dựa trên công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất lên tới 20 triệu liều vaccine trong một tháng.
Video: GS.TS Đỗ Quyết nói về tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên