Giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3, tuy nhiên nhiều khách hàng đã bị sốc khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4. Nhiều hộ cho biết, tiền điện tăng gấp 2-4 lần so với những tháng trước đó.
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tiền điện nhảy vọt.
Theo đó, hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 do tháng 2 chỉ có 28 ngày, lại trùng với kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Tháng 3 có 31 ngày, tháng 4 có 30 ngày, các cơ quan, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau kì nghỉ nên lượng điện năng tiêu thụ cao hơn tháng 2 (tiêu thụ điện tháng 2 thường thấp nhất so với các tháng trong năm).
Bên cạnh đó, là việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định của Bộ Công thương (tăng 8,36%).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, nguyên nhân chính của việc hóa đơn tiền điện tăng cao là do nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến nay, khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng mạnh, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ.
“Lượng điện sử dụng càng nhiều, bậc thang tính giá điện càng cao, tương ứng với giá điện càng cao", ông Việt nói.
Hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng "phi mã" khiến người tiêu dùng giật mình. (Ảnh minh họa)
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cũng cho biết, theo quy luật thời tiết hàng năm những ngày đầu tháng 4/2019, khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bắt đầu nắng nóng trên 30°C, kéo theo nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng dần.
Tuy nhiên, trên báo Lao động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố.
Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hóa đơn điện tăng lên 50-70% so với các tháng. Chuyên gia này cho rằng, lý giải của ngành điện cho việc tăng giá vừa qua chỉ là một góc độ, nguyên nhân chủ yếu là ở sự bất hợp lý của biểu giá điện.
Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20.3 là 1.864 đồng/kWh. Chính phủ giao cho Bộ Công thương xây dựng biểu giá điện đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ hai khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.
Chính vì thế, Bộ Công thương đã không để giá điện sinh hoạt một bậc mà phải chia làm nhiều bậc, để tránh tình trạng, người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí.
"Thế nhưng, biểu giá điện của Bộ Công thương xây dựng hiện nay theo 6 bậc lại không hề hợp lý", chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.
Phân tích về điểm bất hợp lý của biểu giá điện hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nắng nóng gay gắt liên tục và kéo dài đã khiến sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM tăng vọt.
Trong đó, ngày 24/4, sản lượng điện năng tiêu thụ của TP.HCM đạt mức 90,038 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018. Lượng điện năng tiêu thụ ngày 24/4 cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kWh ngày 06/2/2019).
Tuy chưa hết tháng, nhưng tổng điện năng tiêu thụ trong tháng 4/2019 (tính đến 25/4/2019) đã đạt 2,05 tỷ kWh. Dự báo tổng điện năng tiêu thụ tháng 4 sẽ đạt gần 2,45 tỷ kWh, tăng 48,4% so với tháng 2/2019 (1,65 tỷ kWh) và cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó, tổng điện năng tiêu thụ trong tháng 3/2019 là 2,38 tỷ kWh, tăng hơn 44% so với tháng 2.
Số liệu theo dõi của EVNHANOI cho thấy, sản lượng điện tiêu thụ trong ngày tăng trung bình từ 47 triệu kWh/ngày những ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 58 triệu/ngày vào những ngày đầu tháng 4/2019.