Dù quan điểm của Trump và Biden có những khác biệt về căn bản, mục tiêu dài hạn trong các vấn đề quốc tế của họ vẫn giống nhau, đặc biệt là chiếc lược đối đầu với Trung Quốc.
50 ngày đầu nhậm chức
Chỉ một ngày sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden công bố một loạt chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đảo ngược các quyết sách của chính quyền tiền nhiệm.
Ông ký các sắc lệnh thực thi một chiến lược phòng chống COVID-19 gay gắt hơn đi kèm với chiến dịch tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh.
Ông đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và (WHO), báo hiệu sự quan tâm trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như UNESCO.
Nhà lãnh đạo Mỹ khôi phục chính sách nhập cư, đồng ý tiếp nhận khoảng 125.000 người tị nạn trong 1 năm - con số không tưởng dưới thời Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Thực hiện như cam kết khi tranh cử, Biden ngừng cấp ngân sách cho hoạt động xây tường biên giới Mỹ - Mexico, thu hồi giấy phép cấp cho dự án đường ống dẫn đầu gây tranh cãi Keystone XL giữa Mỹ và Canada.
Tất cả các sắc lệnh này như lời phủ nhận với chính quyền tiền nhiệm, cũng là lời khẳng định với chính quyền hiện tại.
Duy chỉ chính sách với Trung Quốc, Biden tiếp bước sách lược đối phó với đối thủ cạnh tranh số một với Mỹ mà người tiền nhiệm để lại.
Nội các của Biden ủng hộ quan điểm của chính quyền Trump về vấn đề Tân Cương và Đài Loan trong vấn đề Trung Quốc.
Bản thân Biden cũng chiêu mộ các nhân vật có quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh dưới thời Trump vào nhóm Chính sách Trung Quốc.
Dù khác biệt về tông giọng so với những người tiền nhiệm, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivanng khẳng định Bắc Kinh cần phải chịu trách nhiệm cho các hành động gây bất ổn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các chuyên gia nhận định rằng ở thời điểm hiện tại, chống Trung Quốc hiện đã trở thành mục tiêu mang tính hệ thống, xuyên suốt của bất cứ chính quyền nào của Mỹ.
Chính sách với Trung Quốc của Trump
Bốn năm Trump tại nhiệm, Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc trên mọi mặt trận.
Ông tập trung vào nhiều vào chiến tranh thương mại cũng như cuộc đối đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thương chiến Mỹ-Trung dường như là di sản nổi bật dưới thời Trump. Sự cứng rắn của Trump dẫn hai nước tới thỏa thuận thương mại giai đoạn một buộc Bắc Kinh phải đáp ứng cam kết mua hàng Washington đặt ra.
Dưới thời Trump, số đợt tuần tra hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đạt con số kỷ lục. (Ảnh: MAXPPP)
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này trên thực tế không mang tới sự thay đổi nào về mặt cấu trúc với hệ thống kinh tế do nhà nước Trung Quốc. Đây vốn là điều cốt lõi mà Mỹ muốn thay đổi để tháo gỡ bất lợi cho các công ty nước này muốn xâm nhập vào thị trường lớn nhất thế giới.
Cùng với thương mại, Trump áp dụng chiến dịch gây áp lực tối đa với Bắc Kinh, từ trừng phạt kinh tế với quan chức Trung Quốc, gã viễn thông khổng lồ Huawei, mạng xã hội Tiktok cho tới hạn chế Bắc Kinh tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.
Trong bốn năm cầm quyền, Trump hiếm khi có được tiếng nói chung với phe Dân chủ trừ việc hai bên thống nhất trong các vấn đề về nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan.
Ông đưa ra hàng loạt các phản ứng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới với Hong Kong, ký thông qua đạo luật thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới, áp lệnh trừng phạt các tập đoàn sản xuất và xây dựng của Bắc Kinh ở Tân Cương với cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Biển Đông là một trong những vấn đề mà Mỹ có chuyển mình mạnh mẽ nhất trong chính sách với Trung Quốc. Hồi tháng 7, Mỹ ra tuyên bố bác các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cam kết hỗ trợ các nước liên quan bao gồm Philippines đối kháng với Trung Quốc.
Đây được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ thay vì các tuyên bố có phần trung dung trước đây.
Đi kèm với đó là việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, thách thức các yêu sách về chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh. Dưới thời Trump, số các chiến dịch FONOP đạt mức kỷ lục, gửi đi thông điệp hết sức rõ ràng.
Vào những tháng cuối Trump nắm quyền, "Bộ tứ Kim cương" với bốn nước thành viên Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trở lại mạnh mẽ. Quan chức các nước này có cuộc cuộc gặp mặt, thảo luận về các biện pháp hợp tác song phương và đa phương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang nổi lên cả ở kinh tế và quân sự trong khu vực.
Chung chí hướng
Trump từng khẳng định nếu Biden đắc cử, Trung Quốc sẽ sở hữu Mỹ. Tuyên bố này dường như ngầm ám chỉ chính quyền Biden sẽ nhẹ tay với Bắc Kinh hơn rất nhiều so với những gì ông và cấp dưới đã làm.
Nhưng gần một tháng qua, Biden cho thấy Trump đã lầm.
Chỉ trong vài tuần, hải quân Mỹ thực hiện hai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Các nhóm tàu sân bay Mỹ cũng hội quân, thực hiện diễn tập dài ngày tại vùng biển này.
Trump và Biden cùng chung mục tiêu đối trọng với Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Một số chuyên gia quân sự dự đoán, với đà này, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ vượt chính quyền tiền nhiệm về các hoạt động thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự, chính quyền mới giữ vững quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh gây tranh cãi mà Bắc Kinh thông qua hồi tháng 1, cho đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của nước này ở Biển Đông,
Dù mới lên nắm quyền, chính quyền của Biden cũng sớm làm rõ quan điểm Bộ tứ kim cương sẽ đóng vai then chốt trong việc ứng phó với đối trọng Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bằng chứng là việc xúc tiến cuộc họp an ninh bốn bên đầu tiên chưa đầy một tháng sau khi Biden nhậm chức.
“QUAD là một điển hình về việc Mỹ và một số đối tác gần gũi nhất cùng phối hợp vì sự tốt đẹp của khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở. Do đó, chúng tôi vun đắp bằng cách làm sâu sắc thêm việc hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống trong đó có an ninh hàng hải, trong khi phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm đương đầu với các thách thức”, phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Về thương mại, đề cử Đại diện Thương mại Mỹ của ông Biden phần nào vẽ ra tương lai về một chính sách cứng rắn mà Washington dự định áp dụng với Trung Quốc trong bốn năm tới.
Trong phiên điều trần xác nhận đề cử này tại Thượng viện, bà Katherine Tai kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các cam kết trong hiệp định thương mại đạt được với Washington. Bà cũng đưa ra một kế hoạch chi tiết buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.
Báo cáo được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trình lên Quốc hội Mỹ đầu tháng 3 khẳng định chính quyền Biden sẽ sử dụng tất cả công cụ hiện có để xử lý hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc tiếp tục gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.
Các diễn biến này cho thấy một xu hướng rất rõ ràng. Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến sự tiếp nối trong chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden vốn được thừa hưởng từ di sản mà chính quyền Trump để lại.
Đây là vấn đề tất yếu trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng trở nên hùng mạnh và quyết đoán hơn về mặt kinh tế và quân sự.
Kể cả khi Nhà Trắng có ý định nương tay, lưỡng đảng Mỹ với hàng loạt các nghị sỹ theo đuổi quan điểm diều hâu với Trung Quốc sẽ gây sức ép buộc chính quyền phải có động thái mạnh tay để kiềm chế đối thủ cạnh tranh số một, mối đe dọa với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Quan điểm tiêu cực của công chúng Mỹ về Trung Quốc cũng gia tăng sau nhiều năm Washington chỉ trích Bắc Kinh về các hành vi thương mại bất bình đẳng, vấn đề nhân quyền và đại dịch COVID-19.
Trung Quốc đang chiếm một nửa GDP và chi tiêu quân sự trong khu vực. Tham vọng tái định hình một số khu vực thông qua các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông, xung đột với Ấn Độ...của nước này đang tạo ra nhiều bất ổn.
Dù Trump hay Biden, mục tiêu của họ là cố gắng chặn đứng tham vọng đó, đập tan mộng thay thế Mỹ trở thành siêu cường hoặc làm Washington suy yếu của Bắc Kinh.
Cách tiếp cận khác biệt
Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh dự đoán Biden sẽ có cách tiếp cận đa phương hơn, truyền thống hơn và sức ép của Mỹ lên Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm.
Sau một chính quyền Trump dù cho thấy quyết tâm rõ ràng nhưng các chính sách lại không đồng nhất, chính quyền Biden sẽ "gạn đục khơi trong", giữ lại cái chất cốt lõi và đi đến một cách tiếp cận ít phô trương, ồn ào hơn.
Khác với người tiền nhiệm thích là trung tâm của mọi thứ, Biden sẽ lắng nghe nhiều hơn tham vấn từ các trợ lý để đi tới một tiến trình chống Trung lớp lang, bài bản, chắc chắn hơn.
Trong khi Trump cố tách Mỹ ra khỏi đồng mình và định chống Trung Quốc một mình, Biden không giấu diếm ý định bắt tay với các đồng minh, tạo sức ép tứ bề để kìm kẹp Bắc Kinh.
"Mỹ chiếm 25% nền kinh tế thế giới - ông Biden nói về sức mạnh kinh tế Mỹ - Chúng ta cần liên kết với các nền dân chủ khác, cần thêm 25% hoặc hơn nữa để thiết lập luật chơi thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định như thể một mình một cõi", ông Biden tuyên bố.
Không rõ các quan hệ hợp tác này sẽ mang lại kết quả ra sao, nhưng nó đang đem tới một số tác động rõ rệt ban đầu.
Sẽ không có chuyện chính quyền Biden nhẹ tay với Bắc Kinh. (Ảnh: Fortune)
Cả Đức, Pháp, Anh mới đây đều tuyên bố sẽ gửi tàu chiến tới Biển Đông. Canada cam kết sẽ làm việc cùng Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cũng hứa hẹn sẽ phối hợp với Mỹ đối đối phó với Bắc Kinh.
Bản thân Biden từng khẳng định chính quyền của ông đã sẵn sàng cho sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc nhưng cách tiếp cận sẽ khác so với người tiền nhiệm.
“Tôi sẽ không làm theo cách ông Trump đã làm. Chúng tôi sẽ dựa vào các quy tắc quốc tế. Chúng ta không cần một cuộc xung đột nhưng sẽ có sự đối đầu gay gắt”, ông Biden nói dù vẫn mở ra cánh cửa hợp tác với Bắc Kinh.
Trả lời báo giới hồi cuối tháng 1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Biden có kế hoạch xem xét liên ngành các biện pháp trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Trump bao gồm thuế quan thương mại và việc đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen.
Tuyên bố trên cho thấy chính quyền Biden sẵn sàng sửa đổi những chính sách của người tiền nhiệm.
"Chúng tôi bắt đầu từ cách tiếp cận kiên nhẫn trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Do vậy, chúng tôi sẽ tham vấn với các đồng minh, với các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa", bà Psaki cho hay.
Biden cũng thể hiện rõ ràng mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các đối tác ASEAN. Ông tin rằng làm việc với ASEAN không phải không phải chỉ vì những vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, mà còn vì lợi ích của Mỹ trong khu vực và một tầm nhìn tích cực.
Tuy nhiên, việc xây dựng lại tầm nhìn này sẽ đặt ra thách thức lớn cho chính quyền Biden khi người tiền nhiệm của ông miệt mài theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" suốt bốn năm qua với những hệ lụy rõ ràng.
Tất cả những bước đi này bởi Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngày càng phải cứng rắn với Trung Quốc.