Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự cô độc của bác sĩ sau cánh cửa bệnh viện điều trị HIV

(VTC News) -

‘Làm nghề bác sĩ nhưng chúng tôi không dám giới thiệu mình làm việc ở đâu’ - là tâm sự của nhiều bác sĩ Bệnh viện 09, chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Ngôi nhà cuối cùng của bệnh nhân nhiễm H

Sáng đầu tuần, trái ngược với không khí nhộn nhịp người vào ra thăm khám như các bệnh viện lớn, Bệnh viện 09 nằm bên đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) vắng người qua lại, có khi cả ngày cũng chỉ lác đác vài bệnh nhân ngoại trú đến khám, lấy thuốc rồi về.

Tại khu vực khám bệnh, bác sĩ CKI Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao Bệnh viện 09 đang kiểm tra sức khỏe cho người đàn ông 37 tuổi quê Bắc Ninh. Người này đến lấy thuốc kháng virus HIV điều trị định kỳ.

Đây là ca duy nhất đến bệnh viện hôm đó.

Kết thúc thăm khám ngoại trú, bác sĩ Hải cùng điều dưỡng đi thăm buồng bệnh nhân HIV nhiễm lao.

Vừa dặn dò mọi người đi cùng đeo khẩu trang, đứng thật xa, đừng lại gần vì nguy cơ lây nhiễm cao, bác sĩ Hải vừa đeo hai lớp khẩu trang, găng tay, mặc áo chuyên dụng rồi bước vào phòng bắt đầu kiểm tra tình hình bệnh.

Trong buồng bệnh, Nguyễn Mạnh Nam (36 tuổi, quê Nam Định), nhiễm HIV lại thêm căn bệnh lao phổi, nằm trên chiếc giường sát góc tường, ho từng cơn nặng nề. Anh Nam không có người thân chăm sóc, nằm viện một mình. “Đây là cái giá tôi phải trả cho tuổi trẻ nông nổi của mình”, anh Nam cúi mặt, thở dài, nói.

Việc thăm khám kết thúc nhanh chóng vì trong phòng điều trị chỉ một bệnh nhân. Đường ra khỏi phòng là cầu thang khác, chứa các thiết bị, dung dịch khử trùng để tránh mang mầm bệnh ra ngoài.

Bác sĩ Hải có 20 năm kinh nghiệm tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV tại Bệnh viện 09. Ngày bệnh viện thành lập cũng là lúc anh quyết định quay lại nghề y sau nhiều năm làm trái ngành.

“Tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội sau đó làm kinh doanh một thời gian, tiếc tấm bằng y khoa nên quay về làm bác sĩ”, anh Hải nói. Thời ấy bệnh HIV còn rất mới, với tính cách thích tìm hiểu, chinh phục điều mới mẻ, anh nộp đơn xin làm bác sĩ tại Bệnh viện 09 nơi mà đa số đồng nghiệp đều "lảng tránh".

Bác sĩ Hải thăm khám cho bệnh nhân HIV mắc lao phổi. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Thời gian đầu Bệnh viện 09 chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là học viên tại các trại tạm giam, trung tâm lao động xã hội, sau này mới tiếp nhận thêm bệnh nhân tại cộng đồng.

Các trường hợp điều trị tại đây khá phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những thân phận bị gia đình bỏ rơi. Họ nhập viện trong tình trạng suy kiệt, tâm lý bất ổn, cô đơn vì "bị xem như món nợ". Có người không muốn nói địa chỉ gia đình, khai sai tên, nên lúc qua đời không có người thân, không tiếng kèn trống, ra đi trong cô độc.

"Họ thường mang tâm lý bất cần, vào viện nhưng không muốn điều trị mà xem đây là nơi trú ẩn, bấu víu để được ra đi thanh thản", bác sĩ Hải nói.

Nhóm thứ hai là người nghiện ma túy, gái mại dâm, nhập viện trong tình trạng nặng, lở loét, không hợp tác, thậm chí hành hung và tấn công nhân viên y tế, nhất là lúc thèm thuốc. “Bệnh nhân ở đây sẵn sàng rút dao, kim tiêm dính máu đe doạ bác sĩ để trốn viện chích thuốc”, nam bác sĩ nói thêm.

Anh Hải và các bác sĩ Viện 09 không ít lần phải đứng hàng giờ để thuyết phục bệnh nhân cầm kim đe doạ để trốn viện.

Nhóm thứ ba là những người vô tình nhiễm bệnh, không biết nguồn lây, tâm lý suy sụp vì không dám tâm sự với gia đình, song họ rất tuân thủ điều trị.

Hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện điều trị HIV, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, bác sĩ Hải luôn cẩn thận trang bị cho mình đủ kiến thức chuyên môn lẫn tay nghề để không bị nhiễm bệnh. Anh từng chứng kiến đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân HIV nhiễm lao bị lây bệnh, phải bỏ việc. 

Làm bác sĩ nhưng không dám nói cho ai biết

Điều trị cho bệnh nhân HIV, các y bác sĩ chứng kiến nhiều câu chuyện thương tâm, tiễn đưa hàng trăm bệnh nhân không ai đến nhận.

Những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, người lở loét, da bọc xương, không có người thân bên cạnh chăm nom nên mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, thay áo quần, cho ăn, uống đều đến tay các điều dưỡng.

"Nhiều người bệnh đau đến lúc chết, thèm được gặp người thân mà chẳng có ai", bác sĩ kể. 

Ai không có người thân, bệnh viện đều giúp lo hậu sự và ký hợp đồng với đơn vị mai táng, chở đi hỏa thiêu. Trong lòng mỗi bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều chứa chất nỗi buồn khó nói. “Cũng là ngành y, làm nghề cứu người, nhưng khi ra ngoài, đi hội họp, chúng tôi không dám nói làm ở đâu”, bác sĩ Hải nói.

CKI Đỗ Thanh Hải, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện 09. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

20 năm trở về trước hay thời điểm hiện tại HIV vẫn là căn bệnh chỉ cần nghe đến mọi người đã tự tránh xa. Để cuộc sống gia đình, con cái không bị kỳ thị, suốt thời gian công tác tại viện, bác sĩ Hải và các đồng nghiệp nhắc con đi học chỉ báo bố mẹ làm bác sĩ, còn làm ở đâu thì không được nhắc tới, vì anh "sợ con sẽ bị bạn bè kỳ thị".

Cũng vì vấn đề trên mà nhiều người không chịu được áp lực bị gia đình, bạn bè xa lánh mà bỏ việc. Có nữ điều dưỡng còn bị gia đình chồng ép bỏ việc nếu không sẽ huỷ hôn. "Chúng tôi làm bác sĩ, nhưng lại bị đối xử như người mang bệnh”, bác sĩ Hải nói.

Nhiều y bác sĩ không may trong lúc điều trị tiếp xúc với máu của bệnh nhân, phải uống thuốc phơi nhiễm, chịu tác dụng phụ cả đời.

“Những khó khăn của chúng tôi chẳng thể kể cùng ai”, nam bác sĩ tâm sự. Anh từng chạnh lòng khi nhìn đồng nghiệp viện khác lương cao, đi đâu cũng được săn đón, còn bác sĩ, điều dưỡng viện anh người phải chạy xe ôm kiếm thêm ngoài giờ hành chính vì thu nhập thấp, người bị "xa lánh" khi giới thiệu tên cơ quan.

Nguyễn Ngoan

Tin mới