Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sở Y tế Hà Nội: Có thể xuất hiện thêm các ổ dịch COVID-19

(VTC News) -

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định có thể có thêm các ổ dịch COVID-19 và yêu cầu khi có ca F0, các quận huyện phải truy vết ngay, càng nhanh càng tốt.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống COVID-19 TP Hà Nội ngày 7/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết đến nay, Hà Nội đã có 20 ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng; 44 ca dương tính trong chùm ca bệnh ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và 11 ca dương tính tại Bệnh viện K Tân Triều.

Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây với tốc độ nhanh. Thành phố vẫn đang thực hiện các biện pháp. Nhưng theo ông Hạnh tình hình kiểm soát dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định có thể có thêm các ổ dịch. Ông cũng nói rõ, khi có ca F0, các quận huyện phải truy vết ngay, càng nhanh càng tốt.

Các bệnh viện cần thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch; giãn cách bệnh nhân; đặt lịch khám qua mạng; hạn chế chuyển tuyến.

Nêu việc hiện có nhiều tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, ông Hạnh đặc biệt lưu ý ông tác tuyên truyền cần công khai, minh bạch rõ ràng để người dân nắm rõ, không hoang mang, bình tĩnh chống dịch.

Về việc khoanh vùng, giãn cách xã hội, ông Hạnh nhấn mạnh thành phố thận trọng, theo tình hình thực tế, linh hoạt theo điều tra dịch tễ. Hà Nội sẽ nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia để có những chỉ thị mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội chủ trì cuộc họp chiều 7/5.

Tại cuộc họp, các quận huyện có ca mắc COVID-19 đã báo cáo tiến độ các công việc khoanh vùng dập dịch.

Với 9 ca bệnh trên địa bàn, huyện Thường Tín cho biết khoanh vùng cách ly ở 3 thôn ở xã Tô Hiệu với 6.000 dân; thông báo các địa điểm mà các trường hợp F0 đã đến để rà soát F1,F2; phun khử khuẩn và tiếp tục truy vết; dừng tất cả hoạt động đông người...

Huyện Thanh Trì cho biết, tại Bệnh viện K Tân Triều đã có 11 ca mắc COVID-19. Từ ngày 16/4 đến nay có 16.395 người đến khám, 16.511 lượt người điều trị. Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu 550 mẫu trong bệnh viện 130 người bán hàng khu vực xung quanh; đóng cửa các cửa hàng quanh bệnh viện; lập nhiều chốt kiểm soát y tế; sẵn sàng phương án đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ cách ly. Bệnh viện có đề xuất hỗ trợ để các F1 là nhân viên y tế được cách ly tại khách sạn Mường Thanh...

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết  Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông báo không còn chỗ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nên sở đã điều tiết và trong tối nay sẽ đưa 11 ca bệnh COVID-19 ở Bệnh viện K Tân Triều về điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn và thực hiện nghiêm các bệnh pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn tối đa. 

"Thành phố sẽ mở thêm các khu cách ly tập trung ở BV dã chiến Đông Anh và Sơn Tây, sẵn sàng cho phương án có 300 ca bệnh với 15.000 trường hợp phải cách ly", bà Hà cho biết.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường ngăn chặn nguồn lây từ các cơ sở cách ly; đảm bảo đúng quy định. Khu cách ly phải có camera giám sát. Sở TT&TT rà soát báo cáo thành phố để thực hiện đúng quy định. Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an rà soát phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Trong đợt dịch này, ổ dịch có xuất hiện tại các bệnh viện. Vì vậy các bệnh viện của thành phố phải làm tốt công tác phòng dịch bởi nếu để thủng ở tuyến đầu thì điều kiện khám chữa bệnh rất khó khăn. 

Nêu việc nhận được thông tin người dân, một số nhà hàng bán hàng trong nhà không có tấm chắn, không đảm bảo giãn cách, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện cần kiểm tra xử lý nghiêm, rút giấy phép nếu tái phạm. Các cơ sở này nếu để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý ở mức cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương, tranh thủ thời gian dễ truy vết nhanh nhất các trường hợp liên tục quan đến các ca bệnh ở Bệnh viện K Tân Triều. Rà soát, lấy mẫu xét nghiệm khu vực quanh bệnh viện để đánh gia nguy cơ.

Các đơn vị cần tổ chức rà soát lại các văn bản chỉ đạo để cập nhật theo các chỉ đạo của Trung ương, TP hiện hành; kiện toàn lại Ban Chỉ đạo tại các địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu.

"Diễn biến dịch bệnh rất khó lường nhưng TP đã vào cuộc quyết liệt và đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Tại thời điểm này, TP không có việc giãn cách, phong tỏa. Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để người dân chủ động phòng dịch. TP sẽ nâng cao hơn một mức các biện pháp để đảm bảo an toàn. Trong 2 ngày cuối tuần các đơn vị phải đảm bảo thông tin thông suốt, sẵn sàng cho mọi tình huống", ông Dũng nói.

Trương Huyền

Tin mới