Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích để điều tra tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 BLHS.
Trước đó, Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) điều tra, xác minh, giải quyết đơn tố cáo ông Thanh và 2 con gái thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can nêu trên, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt tới 20 năm tù.
Lực lượng chức năng trước cổng trụ sở Tập đoàn Tân Hiệp Phát ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: X.A)
Theo quy định của pháp luật, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ quan hệ dân sự có việc giao nhận tài sản, sau đó người nhận được tài sản đã lạm dụng lòng tin của người giao tài sản để có các phương thức thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư cho hay, quá trình điều tra vụ án, CQĐT sẽ xác định, trong số những người tố cáo các bị can thì ai là người bị hại; Giao dịch dân sự được diễn ra khi nào; Số tiền chuyển giao cho các bị can là bao nhiêu tiền; Chứng cứ nào để chứng minh có việc chuyển tiền.
Đồng thời CQĐT sẽ làm rõ thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ở đây là gì; là gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hay thuộc trường hợp có nghĩa vụ trả lại tài sản, có điều kiện trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại.
Số phận tài sản liên quan đến bố con Chủ tịch Tân Hiệp Phát
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, song song với việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra, CQĐT cũng sẽ làm rõ tài sản chiếm đoạt ở đây là gì, ai đang là người quản lý số tài sản này để tiến hành niêm phong, kê biên, thu giữ, nhằm đảm bảo thi hành án.
Ngoài ra, CQĐT có thể sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản, tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.
Việc CQĐT khởi tố, bắt giữ người quản lý doanh nghiệp, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với những tài sản có liên quan đến vụ án hình sự, có thể sẽ bị phong tỏa, còn những tài sản không liên quan đến vụ án, là tài sản của doanh nghiệp, CQĐT sẽ không can thiệp, để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Luật sư phân tích, theo quy định của pháp luật, người quản lý doanh nghiệp mà bị khởi tố, bị tạm giam thì cấp phó, những người được chỉ định trong điều lệ của công ty sẽ tiếp tục thay mặt người đứng đầu để quản lý điều hành doanh nghiệp.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xử lý đối với pháp nhân thương mại, bởi vậy với tội danh mà bố con ông Trần Quí Thanh đang bị khởi tố hiện nay, chỉ có cá nhân người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mới bị xử lý.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, trừ trường hợp có văn bản ngăn chặn của cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bố con ông Trần Quí Thanh chỉ là bước đầu, CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ các hành vi thể hiện qua đơn tố giác của một số cá nhân và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để xác định, ngoài hai bị can đã bị khởi tố còn có tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật hay không, mức độ vi phạm pháp luật đến đâu để xử lý theo quy định của pháp luật.