Trong Chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri ngày 6/11, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay, vấn đề thu hút đầu tư của Đà Nẵng trong “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” rất được quan tâm.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, vướng mắc trong thu hút đầu tư của thành phố không chỉ liên quan đến việc giảm giá đất, thời hạn ghi trên “sổ đỏ” mà còn hàng loạt hệ lụy trong giao đất, giao dự án không đúng quy trình, sai sót trong tính giá đất.
“Đụng đến dự án nào, khu đất nào cũng có vấn đề. Các sở, ban, ngành lúng túng không đưa ra được hướng giải quyết. Khi hỏi không có cơ quan nào trả lời”, ông Thơ nói.
Nhiều dự án đầu tư ven biển Đà Nẵng phải bỏ hoang vì vướng các thủ tục đất đai.
Đà Nẵng xúc tiến đầu tư những dự án mới nhưng hiện còn 500-700 dự án cũ vướng về đất đai. Doanh nghiệp vay vốn đầu tư nhưng lại không triển khai mua bán, chuyển nhượng được. Một loạt dự án ven biển hiện đang rất phức tạp, phải bỏ hoang gây lãng phí. Thành phố xác định đây là việc trọng tâm, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc.
Ông Thơ cho biết, thành phố đang xúc tiến hợp tác với một đơn vị nước ngoài để triển khai điều chỉnh quy hoạch chung và đang trong giai đoạn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung.
Nhìn nhận thủ tục hành chính có biểu hiện nhiêu khê, ông Thơ cho rằng, cần thiết phải lập 1 cửa để các nhà đầu tư khỏi đi lòng vòng.
Vấn đề này, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến chia sẻ, mặc dù thành phố đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tồn tại bất cập. Các sở, ngành "đẻ" ra nhiều giấy phép con, không có trong quy định pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp phản ánh có những loại giấy phép không có trong quy định của pháp luật. Vài trường hợp doanh nghiệp liên hệ thực hiện thủ tục hành chính phải đi lòng vòng từ sở này qua sở nọ, rồi từ sở xuống quận do không tập trung đầu mối xử lý”, ông Tiến nói.
Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, 9 tháng của năm 2018 - “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Đà Nẵng có hơn 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút 106 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD và đang xúc tiến 23 dự án với tổng vốn 520 triệu USD. Tuy vậy, kết quả mang lại chưa cao, nhiều nội dung công việc vẫn chưa được tháo gỡ.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng được thực hiện ở các sở khác nhau, dẫn đến phân tán, nguồn lực hạn chế, mức hỗ trợ không nhiều, hiệu quả mang lại không cao”, ông Cường nói.
Từ đó, ông Cường đề xuất UBND thành phố nghiên cứu kỹ, chọn lọc một số lĩnh vực ưu tiên. Trong mỗi lĩnh vực ưu tiên, nên chọn lọc doanh nghiệp đủ tiềm năng phát triển để hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá tốt hơn.