Gần 3 tuần qua, nhiều nữ sinh của Đại học Yersin Đà Lạt thâu đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm với mong muốn góp sức mình giúp tỉnh Bình Dương đẩy lùi dịch bệnh.
Ăn ngủ vạ vật, xuyên đêm truy vết F1, F2
“Khi xem các clip, video trên phương tiện truyền thông mô phỏng nỗi vất vả của các cô chú, anh chị y bác sĩ, thấy những giọt nước mắt lăn dài của họ, em muốn làm một điều gì đó có ích, dù chỉ là hành động nhỏ thôi, em cũng muốn được tiếp sức các cô chú, anh chị. Vậy là em quyết định viết đơn xin vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch” – đó là chia sẻ đầy xúc động của Võ Thị Văn Minh – Đội trưởng Đội tình nguyện Đại học Yersin Đà Lạt.
Nữ sinh Đại học Yersin Đà Lạt lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bình Dương.
Ngày 22/7, Minh cùng 56 sinh viên khác của Đội tình nguyện Lâm Đồng khăn gói lên đường, thẳng tiến vào tâm dịch Bình Dương. Tại đây, đoàn tình nguyện của Minh được phân thành 7 đội, làm việc tại khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Minh thuộc đội làm việc tại Khu cách ly Trường Tiểu học Phú Long (TP. Thuận An).
Một ngày làm việc của Minh cùng các bạn bắt đầu từ sớm tinh mơ. Sau khi thức dậy, chờ cơm chuyển đến sẽ đi phân phát từng phòng rồi mặc đồ bảo hộ để đi kiểm tra dấu sinh hiệu, phụ bác sĩ làm thuốc cho bệnh nhân (thực hiện y lệnh thuốc), tiếp nhận các trường hợp vào cách ly.
Giữa đêm, khi mọi người đang say giấc, Minh và các bạn của mình cùng nhiều cán bộ y tế khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân để đi kiểm tra, săn sóc từng bệnh nhân.
Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi, các sinh viên tình nguyện ngủ vạ vật ngay tại khu cách ly.
“Bọn em đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ xuyên suốt cả ngày làm việc. Cuối ngày, đến khi mở găng tay, đồ bảo hộ, ai nấy cũng ướt sũng. Nhiều bạn vì không chịu nổi sự nóng bức khi mặc đồ bảo hộ 24/24 nên ngất xỉu. Một số bạn da nhạy cảm lên mẩn ngứa, nổi mụn nước...”, Minh bộc bạch.
Những bữa ăn, giấc ngủ trong khu cách ly của Minh và các bạn cũng thất thường, hiếm khi được ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Minh tâm sự, nhiều hôm xuất hiện ca bệnh khó thở hay có triệu chứng bất thường, thế là bữa ăn của Minh bỏ dở giữa chừng. Thậm chí, nhiều đêm các bạn thức trắng để túc trực, chăm sóc bệnh nhân nặng.
Vất vả là vậy nhưng từ việc hỗ trợ các y bác sĩ chăm sóc F0, đo thân nhiệt, phun xịt khử khuẩn, Minh và các bạn không nề hà bất kỳ khâu nào. Chỉ cần được điều động, Minh cùng đồng đội sẽ hỗ trợ ngay.
Minh cũng cho biết điều khiến em và đồng đội có thể vượt qua mệt nhọc đôi khi chỉ là lời động viên ngược từ bệnh nhân, hay cái bánh, cái kẹo từ mấy em nhỏ trong khu cách ly. Những điều nhỏ nhoi thế cũng đủ khiến các em vững lòng.
Và có lẽ niềm vui lớn hơn cả đối với Minh cũng như đồng đội là mỗi sáng thức dậy lại có thêm bệnh nhân khỏi bệnh, được rời khỏi khu cách ly trở về nhà. "Chỉ cần thấy các cô chú, em nhỏ khỏi bệnh trở về nhà là tụi em vui lắm. Tụi em mong con số bệnh nhân khỏi bệnh ngày càng tăng", Minh chia sẻ.
Hy vọng dịch bệnh sớm qua
Trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tuần hỗ trợ trong khu cách ly, không ít lần trái tim Minh như thắt lại. Minh vẫn chưa thể quên được câu chuyện khiến em cũng như đồng đội phải rơi nước mắt. Đó là khi cả đội chứng kiến hai trường hợp có người nhà mất nhưng không thể về chịu tang. “Hai cô chú xin về nhà nhìn mặt thân nhân lần cuối nhưng vì họ ở khu có các ca mắc COVID-19 nên không được chấp thuận. Nhìn cô chú khóc nhớ người thân mà bọn em quặn thắt lòng”, Minh nhớ lại.
Vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch là trải nghiệm nhớ đời của các bạn sinh viên Lâm Đồng.
Đi cùng đợt vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch với Minh còn có em Hồ Uyển Nhi, sinh viên năm 2, ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Yersin Đà Lạt. Nhi được phân công hỗ trợ Khu cách ly Trường Tiểu học Bình Quới (Thị xã Thuận An).
Nhi chia sẻ, dù đã chuẩn bị tinh thần trước khi lên đường nhưng khi vào tận nơi, biết mình sẽ tiếp xúc với F0, em không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, từ lúc tiếp xúc với những bệnh nhân ở khu cách ly, có người ngang tuổi cha mẹ, ông bà mình nên Nhi đã nuôi quyết tâm dốc hết lòng chăm sóc họ mau khỏi bệnh.
Đoàn tình nguyện tỉnh Lâm Đồng xuất phát vào chi viện tỉnh Bình Dương hôm 1/8.
Hơn nửa tháng hỗ trợ trong khu cách ly, cô nữ sinh 20 tuổi chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đau lòng. Hình ảnh nhiều người lớn tuổi vào khu cách ly lủi thủi một mình, những em nhỏ lần đầu xa mẹ bị thiếu sữa, nhiều sản phụ chờ tới ngày sinh nở, một số người bệnh nặng lên cơn đau phải chuyển lên tuyến trên,…khiến Nhi rớt nước mắt thương cảm.
Và để vơi bớt nỗi nhớ nhà trong khoảng thời gian này, quá trình chăm sóc bệnh nhân, Nhi tâm sự với các cô chú, anh chị về chuyện gia đình, cuộc sống và coi họ như những người bạn, người trong gia đình mình.
“Vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch là trải nghiệm đầu tiên và nhớ đời của em suốt chặng đường là sinh viên đại học. Dù có khó khăn nhưng em sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi”, Nhi bộc bạch.
Ngày 22/7, đoàn tình nguyện thứ nhất của tỉnh Lâm Đồng bắt đầu xuất phát vào chi viện tỉnh Bình Dương. Sau 1 tuần, đoàn tình nguyện thứ 2 cũng lên đường. Gần 100 tình nguyện viên xung phong vào cuộc chiến là những giảng viên, sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, dược của Trường Đại học Yersin Đà Lạt và Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng.