Aspark Owl được trang bị 4 động cơ điện (2 phía sau, 2 phía trước). Động cơ này sản sinh tổng công suất 1.984 mã lực, mô-men xoắn cực đại 2.000 Nm. Siêu xe được trang bị hệ thống vectơ mô-men xoắn ở tất cả các bánh để cải thiện khả năng xử lý và 4 chế độ lái.
Aspark Owl. (Ảnh: Paultan)
Với sức mạnh của mình, Aspark Owl chỉ mất 1,69 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h. Con số đó của Bugatti Chiron là 2,4 giây, còn của Tesla Roadster thế hệ hai là 1,9 giây. Aspark Owl mất 10,6 giây để tăng tốc từ 0-300 km/h, vận tốc tối đa 400 km/h.
(Ảnh: Paultan)
Với hệ thống điện 800 volt và pin lithium-ion có công suất 64 kWh, Aspark Owl có thể di chuyển được quãng đường 450 km mỗi lần sạc đầy. Nếu sạc bằng bộ sạc có công suất 44 kW, pin xe chỉ mất 40 phút để sạc từ 0-100%.
(Ảnh: Paultan)
Aspark Owl sở hữu thiết kế sang trọng và đậm tính khí động học. Thân xe được làm từ sợi carbon có trọng lượng chỉ 120 kg. Khung gầm monocoque bằng sợi carbon và thép không gỉ. Hệ thống treo tay đòn kép với giảm chấn thủy lực. Phanh đĩa gốm carbon 10 piston phía trước và 4 piston phía sau.
(Ảnh: Paultan)
Đáng chú ý, Aspark Owl không được trang bị gương chiếu hậu. Thay vào đó, tài xế sẽ quan sát xung quanh thông qua camera. Cánh lướt gió phía sau có thể điều chỉnh độ cao. Siêu xe này có kích thước 4.791x1.935x993 mm, chiều dài cơ sở 2.750 mm, trọng lượng không tải 1.900 kg. Sức chứa khoang hành lý chỉ dừng lại ở mức 50 lít.
(Ảnh: Paultan)
Bên trong khoang nội thất, Aspark Owl sở hữu tới bốn màn hình cảm ứng. Trong đó, một màn hình phục vụ cho việc giải trí, 3 màn hình khác để quan sát xung quanh, tùy chỉnh các cài đặt khác. Điều hòa tự động, khởi động xe không cần chìa khóa. Owl chỉ có 2 chỗ ngồi, cửa được làm dạnh cánh bướm.
(Ảnh: Forbes)
Được biết, chỉ có 50 chiếc Aspark Owl được sản xuất bởi Manifattura Automobili Torino (Italia). Nếu muốn sở hữu siêu xe này, khách hàng phải chi ra số tiền 2,9 triệu euro (tương đương 74,468 tỷ đồng). Khách cũng phải đặt cọc trước 50.000 euro (1,284 tỷ đồng).