Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Siêu tàu chặn kênh đào Suez vẫn bị giữ vì thiếu tiền bồi thường

(VTC News) -

Hôm 4/5, tòa án Ai Cập bác đơn kháng cáo của chủ siêu tàu chở hàng làm tắc kênh đào Suez về việc giữ con tàu đến khi các khoản bồi thường được giải quyết.

Hồi tháng 3, siêu tàu chở hàng Ever Given gây ra vụ tắc nghẽn kênh đào Suez kéo dài gần một tuần, làm ngưng trệ tuyến đường hàng hải quan trọng, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD. Sau khi được “giải cứu”, Ever Given bị các nhà chức trách Ai Cập thu giữ. Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết con tàu sẽ không được phép rời khỏi Ai Cập cho đến khi chủ tàu trả đủ tiền bồi thường.

Hôm 22/4, chủ tàu Ever Given đệ đơn kháng cáo lên tòa án Kinh tế Ismailia ở ở thành phố Ismailia, Ai Cập, nhằm lật ngược quyết định này. Tuy nhiên, tòa án vẫn giữ nguyên quyết định thu giữ tàu.

Tàu Ever Given sẽ không được phép rời khỏi Ai Cập cho đến khi chủ tàu trả đủ tiền bồi thường. (Ảnh: AP)

Cơ quan quản lý kênh đào Suez yêu cầu bồi thường 916 triệu USD cho chi phí hoạt động trục vớt tàu và thiệt hại phát sinh trong tuần giao thông ở kênh bị đình trệ. Cơ quan này đang tiến hành đàm phán với Shoei Kisen Kaisha, công ty chủ quản tàu Ever Given. Shoei Kisen Kaisha cho biết họ đã thông báo cho một số chủ sở hữu của khoảng 18.000 container trên siêu tàu chở hàng để yêu cầu chia sẻ trách nhiệm bồi thường.

Hôm 23/3, tàu Ever Given đang trên đường đến cảng Rotterdam, Hà Lan, thì đâm vào bờ kênh đào Suez và mắc kẹt. Chiến dịch cứu hộ quy mô lớn nhanh chóng được triển khai nhằm giải phóng con tàu mang cờ Panama có kích thước bằng tòa nhà chọc trời. Sau 6 ngày, tàu Ever Given được “giải cứu”, giúp lưu thông hàng trăm tàu ​​tắc nghẽn ở kênh đào Suez.

Việc kênh đào Suez tắc nghẽn đã buộc một số tàu phải thay đổi tuyến đường chở hàng vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, việc này rất tốn kém cho phải bổ sung nhiên liệu cho tàu và các chi phí phát sinh khác. Hàng trăm tàu không chọn phương án này phải chờ tại chỗ.

Vụ tắc nghẽn này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại mặt hàng, dẫn đến giá thị trường tăng và gây căng thẳng cho ngành vận tải biển, vốn đã chịu áp lực từ đại dịch COVID-19.

Trần Trang (Arab News)

Tin mới