Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Shophouse hàng chục tỷ đồng ế ẩm, nhà đầu tư đứng ngồi không yên

(VTC News) -

Được coi là phân khúc “đẻ trứng vàng” nhưng 2 năm trở lại đây, shophouse đang rơi vào tình trạng bỏ trống, không có người thuê.

Shophouse (nhà phố thương mại) “nở rộ” trên thị trường bất động sản từ năm 2015, từng được nhiều chuyên gia, giới đầu tư dự đoán sẽ là “gà đẻ trứng vàng”. Vào thời kỳ đầu, phân khúc shophouse đã đón nhận làn sóng đầu tư do có nhiều ưu điểm là có thể vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.

Với những dự án khu đô thị, chung cư, nhà phố…chủ đầu tư thường để dành những vị trí đẹp gần các trục đường chính, lối ra vào…để xây dựng các căn shophouse. Do đó, giá bán hay thuê của shophouse luôn cao hơn nhiều so với căn hộ, nhà ở.

Thế nhưng, khoảng hơn 2 năm trở lại đây loại hình này đã dần trầm lắng. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam và kéo dài đến nay, phân khúc shophouse càng trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư giảm đến 50% giá nhưng vẫn không có người thuê.

Trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), nhiều shophouse mặt đường dù sở hữu vị trí đắc địa nhưng lại rơi vào cảnh "cửa đóng then cài".

Chủ một shophouse tại đây cho biết, họ đã treo biển cho thuê nhưng 2 năm nay không có người thuê. Giá cho thuê cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá trị của căn shophouse này. Được biết giá thuê ở đây đã giảm mạnh so với trước và chỉ dao động từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Trong khi giá trị của những căn shophouse này thường dao động từ 15 - 25 tỷ đồng/căn.

Nhiều shophouse sở hữu vị trí đắc địa nhưng vẫn khó tìm khách thuê. (Ảnh minh họa)

Cách đó không xa, hàng loạt shophouse mặt đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có giá tới hàng chục tỷ đồng đang bỏ trống. Ngay cả đến phố Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một khu phố sầm uất, đông đúc, nhưng hàng loạt shophouse tại đây cũng đóng cửa, không tìm được khách thuê.

Chị Nguyễn Thị Thu Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) than vãn, căn shophouse của chị ở phố Hàm Nghi bị bỏ trống hơn 1 năm nay, dù liên tục giảm giá để thu hút khách nhưng vẫn không có người thuê.

Chị Trà chia sẻ, cuối năm 2019, chị mua một căn shophouse có diện tích mặt bằng 90m2 x 5 tầng. Khi đó, nhận thấy dự án sở hữu vị trí đắc địa, khu vực kinh doanh sầm uất nên chị đã không ngần ngại bỏ ra số tiền hơn 20 tỷ đồng để mua căn shophouse này.

Lúc mới mua, chị Trà cho 1 cửa hàng ăn thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi dịch bệnh, hàng ăn liên tục phải đóng cửa, người thuê trả lại mặt bằng. Đến giờ chị đã giảm giá xuống 22 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có khách thuê.

Kinh doanh không có lãi, rồi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến quán phải đóng cửa, dẫn đến khách thuê lần lượt trả lại mặt bằng. Từ đó đến nay, đã hơn 1 năm rồi, không chỉ nhà tôi mà hàng loạt shophouse tại đây vẫn chưa kiếm được khách thuê, dù giá đã giảm từ 50-60%. Nhiều lần tôi đã đăng bán nhưng cũng chẳng ai mua, không biết đến khi nào mới chấm dứt tình cảnh này”, chị Trà nói.

Tương tự chị Trà, anh Trọng Đạt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang rao bán căn shophouse tại quận Long Biên (Hà Nội) với giá 24 tỷ đồng do không tìm được khách thuê. 

Theo anh Trọng Đạt, căn shophouse có diện tích 90m2 x 6 tầng, hoàn thiện mặt ngoài có giá 25 tỷ đồng. Nay, do dịch bệnh ế ẩm không cho thuê được, anh quyết định sang nhượng để trả vốn và lãi cho ngân hàng với giá 24 tỷ đồng, lỗ 1 tỷ đồng so với lúc mua.

Liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Anh Đức, Công ty ABLand cho biết, tác động của dịch bệnh đến phân khúc bất động sản cho thuê là rất rõ, đặc biệt là phân khúc cho thuê cao cấp như shophouse. Sản phẩm này trước đây được coi như “gà đẻ trứng vàng” vì mua bán sang nhượng có lãi lớn, cho thuê giá cao, chỉ có các nhà hàng lớn, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp mới có thể thuê được. Nay, các căn shophouse rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí có hiện tượng cắt lỗ dù thị trường bất động sản nhà ở vẫn có dấu hiệu tăng giá.

Thực tế trên thị trường, giá thứ cấp đang có hiện tượng cắt lỗ, do nhiều chủ nhà mua trước khi có đại dịch, kỳ vọng vào việc sinh lời từ cho thuê hoặc sang nhượng nên sẵn sàng dùng đòn bẩy tài chính. Nhưng khi dịch COVID-19 ập tới, hàng loạt chủ nhà đã phải chịu trả "lãi mẹ đẻ lãi con" cho ngân hàng, khiến loại hình này không còn được khách mặn mà và có dấu hiệu tồn đọng bất động sản giá cao.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, trong các loại hình bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động mạnh nhất, sau đó là loại hình bất động sản cho thuê thương mại.

Sở dĩ shophouse kém hồi phục hơn trung tâm thương mại là do loại hình này có giá thuê cao, chủ yếu nằm trong các khu đô thị mới, dân cư thưa thớt, lại không tích hợp sẵn tiện ích. Hơn nữa, hầu hết các chủ nhà đều yêu cầu khách hàng thuê cả căn, giá khá cao, với tình trạng kinh doanh chưa hồi phục nên nhiều người không mặn mà thuê.

Tuy nhiên, ông Đính nhìn nhận, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản nói chung, loại hình shophouse cũng sẽ có cơ hội hồi phục sớm do mọi hoạt động giao thương đã trở lại bình thường, shophouse vẫn là loại hình bất động sản cao cấp thu hút khách hàng.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, cho đến nay, shophouse vẫn còn nguyên sức hấp dẫn. Nếu chủ nhà có dòng tiền ổn định, lâu dài thì đầu tư vào loại hình này vẫn là an toàn, sinh lời nhất. 

Nhưng nếu chủ nhà dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư shophouse sẽ là “trái đắng” trước viễn cảnh dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn. Nhiều ngành nghề chưa hồi phục được thì loại hình này cũng vẫn chưa thể hồi phục được.

Nhìn dưới góc độ tích cực, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, đây là thời điểm tốt để "xuống tiền", khi nguồn cung loại hình nhà thấp tầng tại các quận nội thành đang ngày càng khan hiếm. 

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra ưu đãi với các gói vay 0% trong một khoảng thời gian nhất định. Việc giảm lãi suất vay cũng là cơ hội để kích thích thị trường, cho phép nhiều người dân có thể có cơ hội mua bất động sản hơn.

Bất động sản thương mại vẫn sẽ là kênh đầu tư được lựa chọn, tuy nhiên người mua cần cân nhắc phân khúc đầu tư cũng như vị trí bất động sản phù hợp với khả năng tài chính của mình, không nên đầu tư kiểu đánh cược”, ông Matthew Powell nói.

Ngọc Vy

Tin mới