Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sáng kiến mới về tài chính rủi ro thiên tai và bảo hiểm toàn diện ở Việt Nam

(VTC News) -

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc vừa tổ chức hội thảo khởi động cho nghiên cứu chẩn đoán sắp được thực hiện về tài chính rủi ro thiên tai và bảo hiểm toàn diện.

Hội thảo này nhằm đạt được hiểu biết toàn diện về bối cảnh Việt Nam và xác định các biện pháp can thiệp và hỗ trợ kỹ thuật khả thi cần thiết cho Việt Nam, quốc gia đã được chọn là một trong mười quốc gia đầu tiên tham gia vào sáng kiến toàn cầu mới của UNDP về Bảo hiểm và Rủi ro Quỹ Tài chính (IRFF) để bảo hiểm toàn diện và tài chính rủi ro là trọng tâm của sự phát triển.

Sáng kiến mới này đã được thiết kế cùng với Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF) và được hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Đức. UNDP cũng sẽ làm việc với Quỹ Giải pháp Bảo hiểm Khả năng phục hồi (ISF) và các đối tác trong ngành bảo hiểm toàn cầu để phát triển các sản phẩm bảo hiểm và tài chính rủi ro thiên tai mới nhằm giảm tác động tiêu cực của thiên tai.

Tài chính rủi ro và bảo hiểm toàn diện không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống, sinh kế, cơ sở hạ tầng và nhà cửa khỏi tác động của thiên tai, mà còn cung cấp bảo hiểm cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục một cách bền vững, cũng như việc làm và các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Tuy nhiên, tài chính rủi ro ở cấp độ toàn cầu và quốc gia còn ít được chú ý.

Ví dụ, có một khoảng cách rất lớn về khả năng bảo vệ trước các rủi ro ở các nước đang phát triển (bao gồm cả Việt Nam), nơi có ít hơn 5% thiệt hại do thiên tai được bảo hiểm, so với hơn 50% ở các nước có thu nhập cao. Các thiệt hại và tổn thất do thiên tai hầu hết không được bảo hiểm như một hình thức bảo vệ, và kết quả dẫn đến là chi phí y tế cũng như thiệt hại về kinh tế do tổn thất tài sản, sinh kế và sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng.

Nghiên cứu về tài chính rủi ro thiên tai đa chiều cho thấy rằng các chương trình bảo hiểm khác nhau có thể có khả năng giúp giảm thiểu tổn thất kinh tế do thiên tai tới 25% ở các nước nghèo nhất thông qua một loạt các công cụ tài chính rủi ro thiên tai, bao gồm bảo hiểm tham số, bảo trợ xã hội dựa trên bảo hiểm và các sản phẩm bảo hiểm thông qua bồi thường.

Bước đầu tiên trong quá trình triển khai sáng kiến mới này tại Việt Nam, UNDP đang thực hiện một nghiên cứu chẩn đoán. Nghiên cứu, sẽ bao gồm các lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhau của bảo hiểm và tài chính rủi ro, giúp xác định rõ sự phát triển của bên cung cấp bảo hiểm; xây dựng một bức tranh về nhu cầu bảo hiểm; xác định các thiếu hụt, khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình xây dựng một môi trường pháp lý, quy định và chính sách của chính phủ dành cho bảo hiểm rủi ro; đề xuất các cách thức xây dựng và tăng cường năng lực pháp lý liên quan; đánh giá tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm; và đề xuất các cách tiếp cận phù hợp hướng tới phát triển các cơ hội thị trường mới cho bảo hiểm rủi ro.

Nó cũng sẽ giúp xây dựng một hồ sơ thông tin về Việt Nam và cung cấp các kiến thức liên quan đến bảo hiểm bao trùm, ví dụ như các thông tin và số liệu về nhân khẩu học, kinh tế xã hội và thực trạng ngành v.v. để phục vụ việc xây dựng các giải pháp bảo hiểm và chuyển giao rủi ro.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo: “Khái niệm tài chính cho rủi ro thiên tai vẫn còn là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, nhưng cơ hội của loại hình bảo hiểm này là rất lớn. Ngoài việc đặt các chính quyền địa phương và quốc gia vào vị thế mạnh mẽ hơn để lập kế hoạch ứng phó với thiên tai trước khi chúng xảy ra, một môi trường thuận lợi hơn cũng có thể hỗ trợ công tác phục hồi và ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn khi thiên tai chắc chắn xảy ra”.

Sáng kiến này đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác đáng kể với các bộ ngành của chính phủ, chẳng hạn như Bộ Tài chính, cũng như chính quyền cấp tỉnh và địa phương, các đối tác phát triển, đối tác trong ngành bảo hiểm và khu vực tư nhân”, bà Syed nhấn mạnh.

Quỳnh Chi

Tin mới