Video: Hiện trường lăng mộ nghi vợ vua triều Nguyễn bị san phẳng làm bãi đậu xe
Liên quan đến vụ việc nghi vấn lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san phẳng làm bãi đậu xe, ngày 26/6, trả lời PV VTC News, PGS.TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, để khẳng định người nằm dưới ngôi mộ có phải là vợ vua Tự Đức hay không thì cần phải làm rõ thêm.
“Trước mắt, tôi phải tận mắt nhìn thấy tấm bài vị đang được thờ trong Chí Khiêm Đường ở lăng vua Tự Đức, nhưng hiện khu vực này đang được trùng tu, các bài vị đã được di dời nên tôi chưa thể tiếp cận”, PGS.TS Đỗ Bang nói.
Chí Khiêm Đường - nơi thờ tự các phi tần của vua Tự Đức và các vua tiền nhiệm. (Ảnh: Nguyễn Vương)
PGS.TS Đỗ Bang cũng đánh giá, việc tìm ra bia mộ của ngôi mộ cổ bị san ủi làm bãi đậu xe là một phát hiện rất quan trọng. Qua đó, có thể khẳng định đây là ngôi mộ có thật và có liên quan đến lăng Tự Đức, vua Tự Đức.
“Tuy nhiên, thông tin trên bia mộ vẫn còn thiếu một số ngôn ngữ như tên tuổi cụ thể của bà Tài Nhân họ Lê; ngày mất cũng như người phụng lập. Theo tôi, cần tìm về gia tộc họ Lê để làm rõ thân thế, gia thế và thời kỳ hoạt động trong cung của bà như thế nào”, PGS.TS Đỗ Bang nói.
Theo PGS.TS Đỗ Bang, ngôn ngữ trên tấm bia tìm được vẫn còn thiếu một số thông tin và cần phải làm sáng rõ. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Liên quan đến việc chủ đầu tư và đơn vị thi công san ủi một ngôi mộ cổ để làm bãi đỗ xe, PGS.TS Đỗ Bang cho rằng, đó là hành vi “vừa thiếu trách nhiệm, vừa vô nhân tâm”.
PGS.TS Đỗ Bang cho biết: "Theo luật di sản, trước khi xây dựng một công trình anh phải khai quật khảo cổ học. Trước hết làm hồ sơ về di tích, sau đó các hiện vật đưa lên làm trưng bày, có thể trưng bày ngay chỗ công trình xây dựng hoặc đưa về bảo tàng. Cả một ngôi mộ trên khoảng đất như vậy mà ông san phẳng như vậy là sai hoàn toàn. Sai cả về luật và sai cả về đạo lý".
“Có thể bây giờ coi như ông không biết thì ông làm, nhưng nếu ông biết rồi mà còn làm nữa thì ông càng chết và có thể truy tố được đấy”, PGS.TS Đỗ Bang nói thêm.
Trước đó, VTC News nhận được phản ánh của người dân về nghi vấn lăng mộ vợ vua Tự Đức đã bị san phẳng làm bãi đậu xe. Sau khi nhận được phản ánh, PV VTC News đã đến hiện trường nơi xảy ra sự việc để tìm hiểu. Theo đó, một phần quả đồi nằm ven con đường vào lăng vua Tự Đức (thuộc khu vực 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế) đang được một doanh nghiệp dùng máy xúc san phẳng.
Chiều 24/6, sau hơn 2 ngày tìm kiếm, bà con trong Nguyễn Phước tộc đã tìm thấy tấm bia cổ có khắc chữ Hán nghi là bia mộ của vợ vua Tự Đức tại khu vực đang bị san phẳng làm bãi đậu xe.
Theo PGS.TS Đỗ Bang, .việc san phẳng ngôi mộ cổ để làm bãi đậu xe là hành động thiếu trách nhiệm và vô nhân tâm. (Ảnh: Nguyễn Vương)
Theo đó, tấm bia rộng có chiều dài khoảng 32 cm; dài 67 cm; dày 10 cm; phía trên có khắc dòng chữ Hán: “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ"). Tạm dịch: “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, với những gì ghi trên tấm bia mộ tìm thấy thì có thể khẳng định bước đầu, đây là tấm bia mộ của một bà vợ vua dưới triều đại nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng đó có phải vợ vua Tự Đức hay không thì cần phải xác minh thêm.
Được biết, đơn vị thực hiện dự án trên là Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị. Theo lãnh đạo công ty này, dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh có tổng diện tích 17.000 m2. Trước đây chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Chuỗi Giá Trị. Từ năm 2016, Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị được Công ty Cổ phần Chuỗi Giá Trị nhượng lại dự án.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin!
Theo một nguồn tin của PV từ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, trước đây, tại Chí Khiêm Đường trong lăng Tự Đức (nơi thờ tự các phi tần của vua Tự Đức và các vua tiền nhiệm – PV) có một tấm bài vị mà trên đó có khắc tên khá tương đồng với tấm bia mộ mới được phát hiện tại công trường thi công: “Tài Nhân thụy Thục Thuận Lê Thị" (Bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận).
Tuy nhiên, khi PV VTC News đến Chí Khiêm Đường để xác thực thông tin thì di tích này hoàn toàn trống trơn và không có bất kỳ một bài vị nào. Một người bảo vệ trong lăng vua Tự Đức cho biết, để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo Chí Khiêm Đường, đơn vị đã di dời những bài vị tại di tích này đến bảo quản ở một nơi khác.