Chiều 5/6, tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp tỉnh và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của địa phương gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản suất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người dân Tây Ninh và cả nước.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm của Tây Ninh với 35 đơn vị cung ứng là các đơn vị sản xuất đặc sản Tây Ninh, gồm 45 mặt hàng: rau rừng, gạo, bánh tráng, muối ớt, muối tiêu, muối tôm; mắm trái điều...
Ngay sau buổi lễ ký kết, các mặt hàng đặc sản Tây Ninh sẽ nhanh chóng có mặt trên quầy kệ của 800 điểm bán thuộc Saigon Co.op và được phân phối tận tay người tiêu dùng cả nước.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, Saigon Co.op sẽ khai thác triệt để cầu nối xuất khẩu là đối tác chiến lược NTUC FairPrice để đưa đặc sản Tây Ninh ra thị trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, Saigon Co.op và tỉnh Tây Ninh cùng kết hợp, vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối doanh nghiệp giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Các sản phẩm được trưng bày tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2023, Saigon Co.op đã tích cực, chủ động kết hợp cùng UBND các tỉnh, thành nhằm phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa.
Quy mô doanh thu năm 2022 của các điểm bán của Saigon Co.op tại Tây Ninh đạt trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh số các tỉnh thành Đông Nam Bộ; phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của hơn hàng trăm nghìn lượt khách hàng mỗi ngày.
"Kết nối với tỉnh Tây Ninh là hoạt động chiến lược của Saigon Co.op nhằm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ và triển khai một cách chuyên nghiệp hoạt động giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành với TP.HCM, từ đó vươn ra thị trường quốc tế", ông Đức nói.
Saigon Co.op ký kết biên bản hợp tác tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tây Ninh.
Theo ông Đức, hoạt động này cũng hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương theo quy hoạch kinh tế chung, phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, phát triển tận gốc, cũng như thúc đẩy không ngừng nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế.
"Saigon Co.op thực hiện quy hoạch lại nguồn nguyên liệu, phân công hóa rõ ràng, minh bạch, phát huy thế mạnh của các đối tác, nhà cung cấp tại tỉnh Tây Ninh theo quy hoạch phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ. Trong thời gian tới, với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, Saigon Co.op đặt mục tiêu nâng quy mô thu mua hàng hóa của tỉnh Tây Ninh lên 1.300 tấn với giá trị trên 250 tỷ đồng vào năm 2025", ông Đức cho biết thêm.