Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rơi nước mắt chuyện cô gái trẻ một mình mang bầu phải nương nhờ ngôi chùa ở Hưng Yên

Hồ Thị L. chia sẻ câu chuyện éo le, một mình mang thai, đẻ rơi con và hiện cô đang mang thai đứa trẻ thứ hai, phải nương nhờ tại chùa Mục Đồng.

Cô gái Hồ Thị L (SN 1998) người dân tộc Pa Kô, sinh ra và lớn lên ở khu vực heo hút thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. L đang ở tháng cuối cùng của thai kỳ, vóc dáng bé nhỏ, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

Cũng như nhiều hoàn cảnh bất hạnh khác, cô được Đại Đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Mục Đồng ở thôn Yên Xá (xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên) giúp đỡ, đón về nuôi dưỡng trong chùa, chờ ngày sinh nở…

Chùa Mục Đồng ở thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.

Tuổi thơ bất hạnh

Đưa tay quệt dòng nước mắt, L cho biết tuổi thơ cô là tháng ngày thiếu thốn tình thương khi bố mắc bạo bệnh qua đời, mẹ bỏ đi lấy chồng khác. Năm đó, L mới bắt đầu biết bò. Đến giờ, L thừa nhận, cô không thể hình dung được khuôn mặt của bố ra sao.

Hồ Thị L kể, năm 16 tuổi, L vướng vào lưới tình của một người đàn ông rồi có thai. Ngay sau đó người yêu tàn nhẫn chối bỏ trách nhiệm, đi lấy vợ. Một mình L với cái thai lớn lên từng ngày.

Không chịu nổi ánh mắt soi mói của người làng và lời mắng mỏ của chú, L cho biết, khi cái thai bước sang tháng thứ 7, cô uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện và cứu sống.

‘Quê tôi vẫn còn hủ tục nặng nề, con gái không chồng mà chửa là mang lại tai họa cho gia đình, làng bản. Theo truyền thống, người đó phải mua heo và dê phạt vạ cho làng làm lễ để gột rửa đen đủi. Năm đó tôi không có tiền, chỉ mua được một con lợn nhỏ phạt vạ’, L nhớ lại.

Còn trẻ, gần đến ngày sinh nở L vẫn không hay biết, đến lúc trở dạ, cô gái trẻ phải vượt cạn một mình.

‘Ở làng tôi, trường hợp có chồng, khi sinh con sẽ nhận được sự quan tâm, chăm sóc cẩn thận của người trong gia đình, dòng tộc nhưng nếu người như tôi, phải tự sinh một mình. Nếu ai giúp tôi sinh, tôi phải cho họ con gà gột rửa đen đủi. Tôi không có tiền nên bơ vơ trong giai đoạn sinh tử đó.

Tôi đau từ sáng đến chiều, khi vừa ra nhà tắm ngoài vườn, tôi đẻ rơi con. Một người dân làng đi qua, nghe tiếng trẻ con khóc, họ đứng cách 20 m, hướng dẫn tôi tự cắt rốn cho con trai bằng chỉ.

Ông nội tôi thương cháu nhưng vì là đàn ông, lại là người đứng đầu của gia đình nên không giúp gì được. Sống ở đấy, ông cũng phải tuân theo quy định từ xa xưa của dân làng.

Một tuần đầu, hai mẹ con chỉ có manh chiếu mỏng, nằm dưới nền đất đầy bụi bặm của nhà sàn. Thương con, tôi xin phép ông cho lên nhà, ông khóc cho hai mẹ con lên, bất chấp chú tôi phản đối’, L kể tiếp.

Cô gái trẻ Hồ Thị L (SN 1998).

L cho hay, bố đứa trẻ lấy vợ, sinh được hai con gái, nhiều lần có ý định sang ‘bắt’ con trai về. Tuy nhiên, cô khẳng định, cô sẽ nhờ sự can thiệp của chính quyền nếu điều đó xảy ra.

‘Con trai hơn tuổi, tôi để cháu ở nhà nhờ ông nội và cô chú nuôi giúp, còn mình vào Đà Nẵng với anh trai ruột, làm công nhân cho công ty thủy sản. Mỗi tháng tằn tiện tôi gửi về cho gia đình 2 triệu nuôi con.

Anh tôi là người khuyết tật, bị teo tay chân nhưng vẫn đi lại được. Hai anh em đùm bọc lẫn nhau nơi đất khách quê người. Để giảm chi tiêu, tôi ở trong kí túc xá cho công nhân’, cô gái sinh năm 1998 nói.

Nào ngờ, định mệnh cho cô yêu một người đàn ông tên Phương (SN 1998 - Quảng Ngãi) và L tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, bị người yêu phụ bạc khi họ hay biết cô mang thai.

Lòng từ bi nơi của chùa

 ‘Tôi quen người đó qua mạng xã hội zalo. Từ chỗ chỉ trò chuyện qua mạng, hai người gặp gỡ và hẹn hò. Tôi ở kí túc xá, 10 giờ đã đóng cửa nên cuối tuần hai hai mới gặp nhau. Anh ở cách chỗ tôi vài km. Ban đầu anh tha thiết, hứa sẽ cưới tôi sớm.

Tuy nhiên, ngày tôi thông báo tin vui, anh lạnh lùng khuyên tôi đi phá. Anh bảo anh còn trẻ , cần phấn đấu cho sự nghiệp, tương lai, chưa muốn lấy vợ. Người đó dúi vào tay tôi 3 triệu rưỡi, dặn tôi tự đến bệnh viện giải quyết’, giọng đau đớn, L nói.

L kiên quyết giữ cái thai, người đàn ông cắt liên lạc, bỏ về quê làm thủ tục sang nước ngoài lao động. Bơ vơ với bào thai đang lớn dần trong bụng, L tìm đến chị gái của người yêu đang sống ở Đà Nẵng.

‘Chị gái anh đưa hai anh em tôi về Quảng Trị gặp bố mẹ anh. Hai bác không chấp nhận cháu nội. Họ nói, đợi khi nào tôi sinh con xong, mang đứa trẻ đi xét nghiệm ADN, nếu đúng huyết thống, hai người sẽ có trách nhiệm. Chán nản, tuyệt vọng, tôi quay về Đà Nẵng’, người phụ nữ chua xót chia sẻ.

Mang bầu nặng nề, năng suất lao động giảm, công ty cho L nghỉ việc. Lần này, trong lúc quẫn trí, nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình, cô lại tìm đến cái chết nhưng bất thành. Tỉnh dậy trong bệnh viện, cô bật khóc nức nở.

Qua một số trang mạng xã hội, L biết đến Đại Đức Thích Nguyên Bình và chùa Mục Đồng. Cô nhắn tin cho thầy cầu cứu.

Đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc một cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi.

Được sự đón nhận của thầy, L khăn gói ra Hà Nội. Trước khi ra nương náu ở chùa, L bán chiếc xe máy được 4 triệu, gửi về cho cô chú ở quê.

Phóng viên nghĩ L gửi tiền về, nhờ cô chú nuôi con, thế nhưng người phụ nữ trẻ tiết lộ: ‘Tôi gửi tiền về để chú ruột mua dê, lợn phạt đền cho làng. Nếu không làm vậy, ông nội tôi sẽ bị người làng chỉ trích. Ông lớn tuổi rồi, tôi không muốn ông khổ thêm...’.

Sống trong sự đùm bọc của nhà chùa và những người cùng cảnh ngộ, tinh thần L phấn chấn hơn chút nhưng cũng có những ngày buồn bã, bỏ cả ăn uống. Sư thầy và phật tử phải động viên.

Cô dự định sinh nở xong, đợi con cứng cáp, cô sẽ gửi con nhờ nhà chùa nuôi giúp một thời gian, vào Nam làm việc. Đợi ổn định, cô sẽ quay về đón.

Đại Đức Thích Nguyên Bình cho biết: ‘Tất cả các trường hợp như L, được nhà chùa hỗ trợ, nuôi dưỡ

Một trường hợp được nhà chùa chăm sóc trong thời gian mang thai, hiện đã sinh con được 4 tháng.

ng đến khi đứa trẻ tròn 6 tháng. Sau thời gian đó, các mẹ có thể đưa con theo hoặc gửi lại chùa chăm sóc tạm thời, đợi công việc ổn định, họ quay lại đón con. Tất cả được nhà chùa giúp đỡ miễn phí từ nguồn ủng hộ của các mạnh thường quân.

Thời điểm này chùa Mục Đồng đang xây dựng lại nên các thai phụ được chuyển về chùa Thiên Hương (xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên) ở tạm. Chùa Thiên Hương cũng là ngôi chùa tôi trụ trì. Một số khác thì tôi thuê nhà cho ở. Khi nào chùa Mục Đồng hoàn thiện, nhà chùa sẽ chuyển các trường hợp này về’.

Trao đổi với VietNamNet, ông Kiều Mạnh Bề - Chủ tịch UBND xã Dương Quang cho biết: 'Các trường hợp phụ nữ mang thai được sư thầy Thích Nguyên Bình đưa về tạm lánh tại chùa Thiên Hương đều có đăng ký tạm trú đầy đủ. Việc nhà chùa làm được chính quyền, nhân dân ủng hộ vì đây là việc phúc đức. Chúng tôi cũng xác minh, không có tình hình gì bất ổn hay vi phạm pháp luật'.

Ông Vũ Văn - trưởng thôn Yên Xá, (xã Phan Đình Phùng) thông tin: 'Việc sư thầy xây nhà tạm lánh, chăm sóc bà bầu và nuôi dưỡng trẻ em được chúng tôi hoan nghênh, ủng hộ. Thời gian tới, khi chùa hoàn thiện, nhà chùa đón các bà bầu về đây, dân làng sẽ chung tay góp sức'.

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới