Hồ sơ tài chính nước ngoài bị rò rỉ với tên gọi hồ sơ "Pandora" đã được các hãng tin lớn công bố vào cuối tuần này, tiết lộ các tài sản bí mật và các thỏa thuận từ một số nhà lãnh đạo giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Theo đó, Guardian cho biết, khoảng 35 lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới, hơn 300 quan chức nhà nước và 100 tỷ phú thế giới bị liệt kê trong bộ hồ sơ thu được từ các công ty nước ngoài.
Guardian tiếp cận được gần 12 triệu tài liệu từ các công ty được thuê để thiết lập tài khoản nước ngoài ở các quốc gia như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman.
Hồ sơ Pandora hé lộ tài sản ở nước ngoài của lãnh đạo thế giới. (Ảnh: ICIJ)
Dữ liệu ban đầu được tiết lộ bởi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ở Washington, Mỹ. ICIJ sau đó đã chia sẻ thông tin cho Guardian, BBC, Le Monde và The Washington Post. Kể từ đó, hơn 600 nhà báo đã tham gia điều tra nội dung của thông tin trong vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất kỷ lục về khối lượng dữ liệu tài chính này.
Guardian cho rằng, hồ sơ Pandora đã phơi bày “kẽ hở” của các hoạt động tài chính ở nước ngoài, cho phép một số người giàu nhất thế giới trốn thuế. Mặc dù không phải tất cả những người có tên trong danh sách này đều có các hành vi sai trái, song những thông tin này tiết lộ có thể ảnh hưởng lớn đến các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo Guardian, Thủ tướng Séc Andrej Babiš, người sẽ tái tranh cử vào tuần tới, từ chối bình luận về lý do tại sao ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp.
Danh sách người có tên trong hồ sơ Pandora gồm Vua Abdullah II của Jordan, người được cho là có tài sản 100 triệu USD trên khắp thế giới. Vua Abdullah II của Jordan khẳng định rằng ông không có hành vi sai trái khi nắm giữ những tài sản đó thông qua các công ty nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã chuyển 25% cổ phần trong một công ty nước ngoài cho người bạn đã trở thành cố vấn hàng đầu của ông. Việc chuyển giao diễn ra trong khi ông cam kết thực hiện chiến dịch chấn chỉnh nạn tham nhũng của nền kinh tế đất nước mình.
Mặc dù việc nắm giữ ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp song không ngoại trừ việc sử dụng các hình thức giao dịch tài chính này để kích hoạt hoạt động tội phạm và rửa tiền.
Guardian và các phương tiện truyền thông khác dự định sẽ công bố những phát hiện mới, bổ sung từ hồ sơ Pandora trong những ngày tới.