Theo tờ Dailymai, nghiên cứu trên do nhóm nhà nghiên cứu tại khoa khoa học khí quyển trường Đại học Nam Kinh và Viện Đại dương học Scripps thuộc Đại học California ở San Diego thực hiện. Họ sử dụng dữ liệu từ đầu đại dịch năm 2020 tới tháng 8/2021.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng một mô hình máy tính mô phỏng đường đi của rác thải nhựa. Qua đó, ước tính trên 193 quốc gia trong diện khảo sát đã xả ra 8,,4 triệu tấn rác thải nhựa liên quan đại dịch COVID-19. Trong đó, khoảng 71% số rác này có thể sẽ dạt lên các bãi biển vào cuối năm nay.
Phần lớn rác thải nhựa liên quan COVID-19 là rác thải y tế do các bệnh viện thải ra và đa số là PPE gồm khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, găng tay dùng một lần, trang phục phẫu thuật. Trong khi đó, nhựa liên quan COVID-19 gồm cả PPE và các loại bao bì nhựa dùng để đựng các vật này, cũng như nhựa từ các bộ xét nghiệm.
Theo nghiên cứu hơn 25.000 tấn rác thải liên quan đến địa dịch COVID- 19 bị xả ra đại dương kể từ đầu dịch đến thời điểm tháng 8/2021. (Ảnh: Global Trade Review)
Số rác thải lớn này được xả thẳng ra đại dương sau khi được vận chuyển bởi các con sông lớn. Trong đó, sông ở châu Á là nơi mà 73% rác thải nhựa bị xả ra, ba con sông hứng nhiều rác thải nhựa nhất là Shatt al-Arab, Indus và Dương Tử. Sau đó, rác nhựa sẽ bị cuốn vào Vịnh Persian, Biển Arab và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, sông ở châu Âu là nơi 11% lượng rác thải bị xả ra. Châu Á là nơi có tỷ lệ ca mắc COVID-19 cao nhất (31,2%) và chiếm nhiều lượng rác thải liên quan COVID-19 nhất với 46,3%.
Trong nghiên cứu của mình, các tác giả viết: “Đại dịch COVID-19 gần đây đã dẫn đến nhu cầu về đồ nhựa dùng một lần gia tăng, làm tăng áp lực lên vấn đề vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này. Tuy nhiên, phát hiện này sẽ cho thấy con sông hoặc lưu vực sông nào sẽ là điểm nóng và cần chú ý đặc biệt khi quản lý chất thải nhựa.”
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các con sông và lưu vực sông là điểm nóng, cần chú ý đặc biệt trong việc quản lý rác thải nhựa, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu đối với các hệ thống thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải nhựa y tế chất lượng cao hơn ở các nước đang phát triển, khuyến khích mọi người sử dụng những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn thay vì những sản phẩm nhựa dùng một lần như hiện tại.
Để xử lý số rác thải khổng lồ trên đại dương này, các tác giả kêu gọi quản lý tốt hơn rác thải y tế tại các tâm dịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Họ cũng kêu gọi toàn cầu nâng cao nhận thức về ảnh hưởng môi trường của rác thải nhựa và PPE và phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Một cách tiếp cận nữa có thể là phát triển công nghệ đổi mới để thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa tốt hơn. Người dân có thể góp phần bằng cách vứt rác thải liên quan COVID-19 đúng nơi quy định và tái chế khi có thể.
Một báo cáo khác, được công bố tháng 3/2021, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên về vụ một con cá bị mắc kẹt bên trong bao tay y tế tại kênh đào ở Leiden (Hà Lan). Ở Brazil, người ta đã tìm thấy một khẩu trang y tế bên trong dạ dày của xác chim cánh cụt.
Như vậy, có thể thấy đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng riêng đến cuộc sống của con người. Nếu chúng ta không có những biện pháp để sống chung với đại dịch một cách tốt nhất, thì COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi môi trường sống trên hành tinh này bằng nhiều cách khác nhau.
Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang cùng nhau tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cuộc chiến chống rác thải nhựa cũng là cuộc chiến lâu dài và ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhân loại. Vì vậy, trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh, trước khi tiêu dùng các sản phẩm nhựa, mỗi người tiêu dùng cần ý thức và cẩn trọng trong hành vi của mình.