1. Theo báo giới Tây Ban Nha, Lionel Messi đang thuyết phục Luis Suarez ở lại Barcelona thêm một mùa. Cách đây 2 tuần, HLV Ronald Koeman gọi điện cho Suarez, thông báo tiền đạo này không còn nằm trong kế hoạch của ông. Đáp lại, Suarez đòi Barca thanh lý hợp đồng để tự do ra đi.
Nhưng Messi lại nghĩ khác, anh muốn Suarez ở lại. Điều này gửi đến thông điệp gì cho HLV Koeman?
Messi có ngồi yên trước cuộc cách mạng của Koeman?
Không cần phải bàn về tầm ảnh hưởng của Messi ở Barca. 5 năm đầu, đó là ảnh hưởng về chuyên môn. 10 năm sau, nói đến Messi không còn chỉ nói đến bóng đá đơn thuần. Nếu một cầu thủ trên thế giới thẳng thừng tố cáo chủ tịch của mình "thất hứa", mà vẫn được ban lãnh đạo tha thiết giữ lại, đó chỉ có thể là Messi.
"Barca lớn hơn bất kỳ HLV hay cầu thủ nào, ngoại trừ Messi. Đó là thực tế tất cả phải chấp nhận", Javier Mascherano chia sẻ. Messi không phải người nói nhiều. Anh thu mình trong "tổ kén", thường im lặng trước áp lực.
Siêu sao người Argentina có thể không thuộc mẫu đòi hỏi quyền lực. Lãnh đạo Barca đắm mình trong cuộc chiến vương quyền ở Camp Nou, Messi thì không cần điều đó. Anh có sức hút tự nhiên, với lượng theo dõi trên trang cá nhân nhiều hơn cả đội Barca.
Messi thông báo rời Barca với bản burofax chưa tới 100 chữ, sân Camp Nou hỗn loạn. Bởi Messi là "vua" ở Barca, hay chính Barca đã tự biến mình thành con tin của Messi.
Phụ thuộc vào đôi chân Messi không có gì xấu. Với tài năng xuất chúng, Messi có thể biến bất cứ tập thể nào phải phụ thuộc vào anh. Nhưng lệ thuộc về vấn đề phi chuyên môn là câu chuyện khác.
Khi Messi nói với HLV Pep Guardiola rằng anh không vui khi không được đá ở trung tâm, Zlatan Ibrahimovic bị loại bỏ. Khi Messi trục trặc với HLV Luis Enrique, nội tình CLB dậy sóng. Với Barca, làm Messi vui lòng là yếu tố cần thiết trước tiên để nghĩ tới mùa bóng thành công.
Barca tự nguyện trở thành "con tin" của Messi.
2. Đêm qua, tiền đạo trẻ Ansu Fati đi vào lịch sử bóng đá Tây Ban Nha khi trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho ĐTQG. Những cầu thủ như Fati hay Riqui Puig, Frenkie de Jong,... sẽ là nền móng phục sinh Barca. Đội bóng xứ Catalunya cần nguồn động lực mới, thay thế cho lứa cầu thủ cũ đã già cỗi, lười biếng và hết động lực.
Đó là lý do họ mang về Koeman - người giúp Hà Lan trở lại bằng những tài năng trẻ. Ở Camp Nou, Koeman có thể xây dựng Barca của riêng ông. Một Barca thoát ly khỏi lề thói cũ, chơi bóng tập thể, trẻ trung và giàu khát vọng. Barca ấy nhất quyết phải loại bỏ tàn dư, trong đó có Suarez hay Sergio Busquets, Gerard Pique.
Nhưng Messi không nghĩ thế. Anh muốn Suarez ở lại. Có thể nối tiếp sẽ là Busquets, Pique. Mùa giải chưa bắt đầu, song Messi bắt đầu manh nha đặt mình vào thế đối đầu với chính Koeman.
Chiến lược gia người Hà Lan muốn cải tổ, nhưng thay đổi thế nào nếu Messi vẫn được trao quá nhiều quyền lực, và cái bóng của siêu sao này khiến Barca khó toàn tâm toàn ý đáp ứng nguyện vọng của Koeman?
Nhiều cầu thủ không thể tỏa sáng vì không hợp Messi.
Đội bóng của Koeman không phụ thuộc vào cá nhân nào. Ajax Amsterdam, PSV Eindhoven, Southampton, Everton hay tuyển Hà Lan của ông có chung mẫu số này. Trên sóng bình luận, Koeman từng phản đối việc các đội bóng chi quá nhiều tiền để mua sao.
Cựu HLV Valencia thiên về xây dựng nền tảng và chơi đồng bộ. Đội bóng của Koeman sẽ không có cầu thủ tạo ảnh hưởng tuyệt đối kiểu Messi.
Chính Messi hiểu điều đó. Trả lời phỏng vấn độc quyền với Goal, anh thừa nhận thời của mình đã hết, và quyết định ra đi là tốt cho chính anh và Barca. Nhưng chính lãnh đạo CLB từ chối sự thay đổi. Josep Bartomeu muốn giữ anh ở lại vì chuyên môn đội bóng, quyền lực chính trị, tiền bạc mà cái giá phải trả chính là chiếc ghế mà ông đang ngồi.
Barca sẽ lại sống trong cái khuôn mẫu cũ kỹ, lạc hậu, mà 5 năm liên tiếp thua đau ở Champions League cho thấy đội bóng của Messi đã hết thời.
De Jong, Fati mới là tương lai của Barca.
3. Barca đang ở giai đoạn tăm tối trước bình minh, khi cái mới nổi lên, tiêu biểu với dòng máu trẻ của Fati, Puig, De Jong, nhưng cái cũ vẫn ngoan cố bám trụ, ăn bám hào quang dĩ vãng của đội bóng này.
Một tập thể hoàn hảo cần pha trộn giữa kinh nghiệm và sức trẻ, nhưng quan trọng nhất, không cá nhân nào có thể nổi lên bao trùm cả tập thể.
Bayern Munich vô địch Champions League với Manuel Neuer vững chãi trong cầu môn hay Robert Lewandowski xuất sắc trên hàng công, nhưng cả Neuer, Lewandowski đều không phải quyền lực vượt quá phạm vi chuyên môn như Messi. Ngày cả hai rời Allianz Arena, Bayern có thể tiếc nuối, nhưng chắc chắn có giải pháp thay thế.
Chức vô địch của Real Madrid, Liverpool, Bayern trong 5 mùa Champions League gần nhất cho thấy sự hòa hợp, đồng điệu của tập thể luôn đi trước sự thống trị tuyệt đối của một cá nhân. Có thể, Koeman vẫn cần Messi trên địa hạt chuyên môn để dẫn dắt lứa cầu thủ trẻ về đích, giống như Ronaldinho từng dẫn dắt chính Messi trước đây.
Nhưng như bao cầu thủ khác, Messi cần rời đi khi nhiệm vụ đã hoàn thành (tất nhiên theo cách tử tế hơn lùm xùm những ngày qua), và Koeman cần được giao trọn vẹn quyền lực để cải tổ. Đó không phải thứ quyền lực nửa vời. Tôn giáo bóng đá của Barca phải là chiến thắng, chứ không phải lạc thú khi chứng kiến Messi chơi bóng.
Barca cần dứt khoát để xây dựng khuôn hình mới. Đó là điều họ chưa dám làm.