Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lợi nhuận ngành ngân hàng ra sao trong Quý I?

(VTC News) -

Trong Quý I/2024, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất là 84%, trong khi giảm sâu nhất là 69% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính Quý I/2024 với nhiều sắc thái khác nhau. Đa số các ngân hàng đều có lợi nhuận tăng trưởng, một số ngân hàng có lợi nhuận giảm.

3 ngân hàng có lợi nhuận giảm nhẹ gồm Vietcombank, ACB và VIB. Trong Quý I, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng ACB có lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.900 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. VIB có lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng ACB có lợi nhuận giảm nhẹ trong quý 1/2024. (Ảnh: Đ.V)

4 ngân hàng có lợi nhuận giảm sâu gồm Eximbank, PGBank, Vietbank và ABBank. Cụ thể, Eximbank có lợi nhuận trước thuế trong Quý I/2024 đạt 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023. PGBank có lợi nhuận trước thuế đạt 115 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý nhất là lợi nhuận “lao dốc” của Vietbank và ABBank. Vietbank có lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 73 tỷ đồng, giảm tới 63% so với cùng kỳ năm ngoái. ABBank có lợi nhuận trước thuế đạt 192 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước.

ABBank có lợi nhuận giảm mạnh trong quý 1/2024. (Ảnh: B.L)

3 ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh nhất là LPBank, VPBank và HDBank. Lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý 1/2024 đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2023. VPBank có lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. HDBank cũng có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, các ngân hàng khác như Seabank, Techcombank, Nam A Bank cũng có lợi nhuận tốt với mức tăng tương ứng là 41%, 39% và 31%.

Đại diện Ngân hàng VPBank cho biết, sở dĩ ngân hàng này có lợi nhuận tăng trưởng tốt là nhờ khách hàng phân khúc SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) tăng gần 14%. Ngân hàng đã kịp thời đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình. Phân khúc khách hàng cá nhân cũng tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt hơn 240.000 tỷ đồng với dấu ấn từ các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng.

"Phân khúc cho vay mua nhà phố ghi nhận tăng trưởng 5%, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng quy mô cho vay mua nhà, điều này cho thấy tín hiệu “ấm dần” của thị trường bất động sản", đại diện VPBank chia sẻ..  

Cũng theo đại diện VPBank, song song với việc tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất đã tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/3, chi phí vốn của ngân hàng hợp nhất giảm xuống dưới 5% so với trung bình trên 6% của quý 4/2023 và cả năm 2023, định hình xu hướng giảm dần qua từng quý.

Đại diện một ngân hàng có lợi nhuận giảm lý giải, sở dĩ lợi nhuận của ngân hàng này “lao dốc” là do tăng trích lập dự phòng. Ngoài ra, thu nhập lãi thuần của ngân hàng cũng giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái vì lãi suất liên ngân hàng giảm. Điều này dẫn tới nguồn thu nhập lãi từ thị trường 2 (liên ngân hàng) mang lại thấp hơn

ĐẠI VIỆT

Tin mới