Tính đến tháng 12/2022, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine đã tấn công hơn 400 mục tiêu của Nga bằng HIMARS, trong khi Nga không thể trả đũa một cách hiệu quả và không có bệ phóng nào trong số 20 bệ phóng hiện đang được Ukraine sử dụng bị phá hủy.
Sự xuất sắc của HIMARS ở Ukraine đã khiến các đồng minh của Mỹ đổ xô mua sắm trang bị hệ thống này. Trong khi đó, quân đội Mỹ đang tiếp tục phát triển những cách mới để sử dụng HIMARS hiệu quả và mở rộng khả năng tác chiến của nó.
HIMARS được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 2005 sau một thập kỷ phát triển bởi nhà sản xuất Lockheed Martin.
Tiềm năng của pháo phản lực
Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư đáng kể vào pháo phản lực, trang bị các bệ phóng đa tên lửa gắn trên xe tải đầu tiên trong Thế chiến II.
Các bệ phóng Katyusha mang lại sức hủy diệt lớn hơn là những cú đánh chính xác. Các phiên bản đầu tiên, bao gồm cả BM-13 132mm, được đặt biệt danh là "Đàn Organ của Stalin" vì các hàng ống phóng tên lửa của chúng giống như nhạc cụ.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển và cho ra mắt BM-21 Grad vào năm 1963. Bệ phóng 122mm này được đặt trên khung gầm xe tải 4,5 tấn, có thể bắn một loạt 40 tên lửa chỉ trong 20 giây và nạp lại đạn sau ba phút.
Binh sĩ Liên Xô luyện tập với hệ thống BM-21.
Ngược lại, quân đội Mỹ tiếp tục dựa vào kho vũ khí pháo lựu của mình, được coi là đáng tin cậy và chính xác hơn. Nhưng khi Liên Xô bắt đầu xuất khẩu BM-21 cho các quốc gia khác và Mỹ đã nhìn thấy được sức mạnh của vũ khí này, đặc biệt là Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa các lực lượng Ả Rập và Israel.
Chạy đua thiết kế
Ngay sau đó Mỹ đã thiết kế hệ thống tên lửa phóng loạt M270, được gọi là MLRS, phát triển vào giữa những năm 1970. Bệ phóng có 12 ống phóng tên lửa đặt trên xe chiến đấu Bradley - một phương tiện bánh xích hạng nặng giống như xe tăng.
Loại vũ khí khổng lồ nặng 26 tấn lần đầu tiên được chứng minh trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 - chiến dịch của Mỹ nhằm giải phóng Kuwait khỏi quân xâm lược Iraq.
Nhận thấy tiềm năng của thứ vũ khí này, hệ thống HIMARS được phát triển vào những năm 1990, nó được chế tạo để bắn các loại đạn MLRS cải tiến và có tốc độ lên tới 90km/h.
Tiền thân của HIMARS, M270 MLRS trên khung xe chiến đấu Bradley.
Được mệnh danh là “súng trường bắn tỉa 70km”, HIMARS chính xác đến mức nó có thể bắn trúng một căn phòng trong một tòa nhà cách xa hàng chục km. Tên lửa GMLRS là loại đạn chính của HIMARS với hơn 50.000 viên được chế tạo. Lockheed Martin cũng đang phát triển một phiên bản GLMRS có tầm bắn mở rộng, mà hãng này tuyên bố sẽ tấn công các mục tiêu cách xa hơn 140km.
Theo các chuyên gia, thành công của quân đội Ukraine với hệ thống này là đáng kinh ngạc, đặc biệt là họ vận hành nó mà không cần một số hệ thống dẫn đường quan trọng nhất của HIMARS như hệ thống dữ liệu chiến thuật pháo binh tiên tiến (AFATDS) của quân đội Mỹ.
HIMARS trên chiến trường Ukraine
AFATDS giúp hệ thống đánh giá các vị trí mục tiêu, điều phối các yếu tố trên không và mặt đất, đồng thời giám sát các nhiệm vụ đang diễn ra. Một bảng điều khiển trong buồng lái của xe tải được tích hợp với hệ thống tên lửa HIMARS trên xe, tính toán độ cao và góc phương vị, đồng thời quản lý quá trình trang bị và khai hỏa thực tế.
Do các quy định về bản quyền của Mỹ nên AFATDS không được gửi đến châu Âu, các binh sĩ Ukraine đã phải sử dụng máy bay không người lái được hỗ trợ bởi mạng liên lạc vệ tinh Starlink để xác định và trinh sát mục tiêu.
Khi các lực lượng Ukraine xác định được vị trí mục tiêu, việc nhắm mục tiêu HIMARS - ngay cả khi không có AFATDS vẫn khá dễ dàng. Binh sĩ chỉ phải nhập tọa độ lưới theo cách thủ công, rồi khai hỏa.
Vào tháng 7/2022, các lực lượng Ukraine đã sử dụng bệ phóng HIMARS đánh sập cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnipro ở Kherson, Ukraine.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Ukraine thành công với HIMARS nhờ 3 yếu tố chính: bản chất cuộc chiến mà họ đang tham chiến, năng khiếu và sự quen thuộc của họ với các hoạt động pháo binh và sự hiểu biết về cách thức hoạt động của quân đội Nga.
Quân đội Ukraine tận dụng thông tin tình báo của Mỹ và đồng minh để có thể tấn công bất ngờ vào các vị trí của quân đội Nga, trong khi đó phía Nga lại rất bị động khi không thể trinh sát phát hiện ra các vị trí tên lửa của đối phương.
Khi cần, HIMARS có thể tung ra rất nhiều cú đánh chính xác. Một phần khiến nó thành công ở Ukraine là các binh sĩ có thể nạp lại tên lửa rất nhanh. Một đội HIMARS được đào tạo bài bản có thể tháo bệ tên lửa đã sử dụng và nạp lại bệ phóng trong vòng năm phút sau khi khai hỏa.
Tuy nhiên tốc độ bắn nhanh của tên lửa cũng làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung cấp đạn dược cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết họ đã cung cấp “hàng nghìn” quả tên lửa GMLRS cho Ukraine, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Ukraine đã bắn tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày từ tất cả các loại vũ khí hiện có, không chỉ riêng HIMARS.
Tuy nhiên vào năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có kế hoạch tăng đáng kể số lượng pháo phản lực với 171 bệ phóng HIMARS. Đồng thời nâng tổng số đạn tên lửa trong kho dự trữ lên 9.733 tên lửa GMLRS, 404 tên lửa ATACMS. Với số lượng đạn tên lửa đang được sản xuất thêm sẽ bảo đảm viện trợ cho quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu.
HIMARS thực sự là một mối đe dọa lớn đới với quân đội Nga, nếu không thể khắc phục những hạn chế về mặt trinh sát và tình báo thì quân đội Nga sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại.