Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quan chức QH: Chính sách hỗ trợ phải bảo đảm an toàn tài chính quốc gia

(VTC News) -

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dù chính sách hỗ trợ thế nào vẫn phải bảo đảm dài hạn và an toàn tài chính quốc gia.

Tại Phiên Tọa đàm cấp cao trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ về vai trò của các cơ quan của Quốc hội đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế cũng như các định hướng, nguyên tắc lớn của chính sách này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Dù chính sách hỗ trợ thế nào vẫn phải bảo đảm dài hạn và an toàn tài chính quốc gia. Chính sách đưa ra phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng với các cân đối lớn của nền kinh tế với các chính sách kinh tế vĩ mô. Có thể chấp nhận trong một giai đoạn ngắn hạn, có thể các chỉ tiêu thay đổi, nhưng về dài hạn, phải bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia và cũng phải cân đối với khả năng vay, trả nợ và khả năng hấp thụ của nền kinh tế". 

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng phải tập trung cả về cung và cầu. Cụ thể, về phía cung, ông Thanh nhấn mạnh phải tập trung hỗ trợ, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động; về phía cầu, phải kích cầu cả thị trường và đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ tại Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. (Ảnh: Lâm Hiển)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần phối hợp một cách linh hoạt, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách đầu tư, thương mại, dịch vụ, bám sát đúng tinh thần Kết luận số 20.

"Cần có sự phối hợp hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô này thì mới sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội", ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Các chính sách phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Nếu không đủ lớn sẽ không tạo ra sự thống lĩnh giải quyết bất cập của nền kinh tế, không tạo ra sự thay đổi cần thiết cho nền kinh tế, thậm chí làm lãng phí.

Một nguyên tắc nữa ông Thanh đưa ra là bảo đảm gói kích thích này phải khả thi và thực thi nhanh, tập trung vào ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có khả năng hấp thụ nhanh, có tính lan tỏa rộng để kích thích nền kinh tế phục hồi phát triển và phải nhanh ngay trong năm 2022 - 2023.

"Có ý kiến cho rằng năm 2022 phục hồi, giảm thiểu thiệt hại của đại dịch COVID-19, năm 2023 tập trung cho kích thích đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ. Bên cạnh đó, vị quan chức Quốc hội này cho rằng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Cuối cùng, các chính sách huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lạm dụng, trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, tham nhũng. Theo ông Vũ Hồng Thanh, muốn nhanh thì phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán, để chính sách này phát huy hiệu quả trong thời gian tới. 

Xuân Trường

Tin mới