Đến đầu ngõ 242 Lạc Long Quân, bước xuống con dốc là thấy quán bánh rán mặn của gia đình chị Mai Hoa. Quán mở bán hàng ngày từ 10h đến tầm 18h là hết sạch hàng. Lúc cao điểm có đến gần trăm người xếp hàng mua bánh, kéo dài ra tận mặt đường Lạc Long Quân.
Chị Mai Hoa chia sẻ: “Từ những năm 1990, mẹ tôi đã bắt đầu bán bánh rán để mưu sinh tại chợ Bưởi. Tôi hay theo mẹ ra chợ, những chiếc bánh rán nóng giòn hồi ấy giá chỉ 500-700 đồng thôi. Sau này, bánh được nhiều người khen và yêu thích nên tôi tiếp tục nối nghiệp mẹ, và vẫn giữ công thức gia truyền đến giờ".
Giá mỗi chiếc bánh rán mặn hiện tại là 10.000 đồng, bánh rán ngọt 8.000 đồng.
Sau khi kế nghiệp mẹ, chị Hoa mở quán ở phố Thụy Khuê, khu vực gần chợ Bưởi, sau mới chuyển đến ngõ 242 đường Lạc Long Quân. Gọi là quán cho sang chứ thực ra hàng bánh rán mặn nổi tiếng này chỉ có mỗi tấm bạt dùng để che nắng che mưa và vài chục chiếc ghế nhựa sờn cũ, bạc màu... Góc chế biến "lộ thiên" nên khách nào cũng có thể quan sát quy trình làm bánh.
"Tôi và mọi người thường dậy từ 5 giờ sáng để tự tay chuẩn bị các loại nguyên liệu cần thiết, từ vỏ bánh, nhân bánh, nước sốt đến nộm ăn kèm. Tất cả nguyên liệu làm ra chỉ đủ để bán hết trong ngày, nếu để đến hôm sau thì bánh sẽ không bao giờ đạt độ mềm bên trong và giòn bên ngoài" - chủ quán chia sẻ.
Mỗi ngày quán chị Hoa bán khoảng 20kg cả nhân và vỏ bánh, tương ứng với vài trăm cái bánh rán.
Quán nhỏ nhưng đông khách nên luôn có tới 5-6 người liên tục nặn và rán bánh với những đôi tay nhanh thoăn thoắt. Bánh ở đây không được làm sẵn, bán đến đâu thì mới làm đến đó để đảm bảo độ tươi mới và hương vị. Đó cũng là một phần lý do mà khách đến đây vào giờ cao điểm thường phải đợi khá lâu.
Quy trình làm ra chiếc bánh rán mặn phải trải qua 3 công đoạn: Làm nhân, nặn bánh và rán bánh. Bánh rán ở đây có hai loại nhân mặn và nhân ngọt, nhưng bánh rán mặn thu hút khách hơn cả. Bánh mặn được nặn hình thuôn dài, nhân gồm thịt luộc, miến và mộc nhĩ.
Những chiếc bánh sau khi nặn sẽ được chiên qua nhiều chảo dầu khác nhau để chín nhanh, chín đều và không bị ngấm dầu vào nhân.
Vỏ bánh rán được làm từ bột nếp trộn đều cùng dầu gấc nên luôn có màu vàng ruộm đẹp mắt.
Những chiếc bánh nóng hổi, vỏ ngoài giòn, bên trong nhân thơm nức được cắt thành từng miếng nhỏ, ăn kèm nộm đu đủ. Một điểm đặc biệt nữa để giữ chân thực khách là nước tương ớt chua cay mặn ngọt đặc biệt của quán.
"Nhiều hôm quá tải, đông khách quá, tôi vừa phải ngồi cắt bánh, vừa phải múc sốt mỏi cả tay. Khách được phát miếng bìa tí hon đánh số theo thứ tự, gọi đúng lượt ai mới được lấy bánh, có khi phải chờ cả tiếng đồng hồ mà khách vẫn chịu đợi, lúc ấy tôi cũng thấy bất ngờ và biết ơn khách nhiều lắm.
Lúc đầu khi mới chuyển về đây quán cũng vắng khách vì ở trong góc ngõ khuất, sau này mọi người ăn ngon và truyền tai nhau nên quán mới được đông khách như bây giờ" - chị Hoa tâm sự.
Những chiếc bánh nóng hổi, vỏ ngoài giòn, bên trong nhân thơm nức được cắt thành từng miếng nhỏ, ăn kèm nộm đu đủ.
Có gia đình cả 4 thế hệ gần như chiều nào cũng tới ngồi ăn. Có những người ở tận Long Biên, Hà Đông... nghe tiếng cũng lặn lội đi cả vòng thành phố để nếm thử. Bánh rán là món ăn quen thuộc ở khắp các con phố của Hà Nội, thế nhưng rất ít quán có thể khiến thực khách sẵn lòng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ thưởng thức như ở đây.
Chị Lan (quận Ba Đình), khách quen lâu năm của quán, chia sẻ :"Tôi ăn bánh rán hàng này 20 năm rồi, từ lúc chỉ có cái chảo nhỏ bên Thuỵ Khuê. Đến khi quán chuyển sang Lạc Long Quân thì ngày càng đông khách. Vỏ bánh ở đây không bao giờ bị đen vì sử dụng bí quyết chiên bánh qua mấy cái chảo liền. Nước tương ớt chua ngọt cũng đặc biệt hơn so với các hàng bánh rán khác ở Hà Nội".