Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phương Tây viện trợ ồ ạt, vực dậy pháo binh Ukraine giữa cơn khủng hoảng?

(VTC News) -

Trước xung đột, quân đội Ukraine sở hữu lực lượng pháo binh nhất nhì đông Âu nhưng giờ đây họ phải trông ngóng từng khẩu pháo từ châu Âu để bù đắp số vũ khí đã mất.

Trước đây, pháo binh Ukraine có quy mô không hề thua kém các nước châu Âu, thậm chí có phần lớn hơn cả về số lượng lẫn chủng loại. Thế nhưng những tổn thất nặng nề sau 100 ngày xung đột với Nga khiến lực lượng này không còn khả năng đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện tại.

Ukraine có bao nhiêu hệ thống pháo?

Trích dẫn thông tin từ Military balance 2021 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) thông kê cho biết, trước khi bắt đầu xung đột, quân đội Ukraine có trong biên chế 607 hệ thống pháo tự hành các loại gồm 292 122mm 2S1 Gvozdika, 249 152mm 2S3 Akatsiya, 18 152mm 2S5 Giatsint-S, 35 152mm 2S19 Msta-S, 13 203mm 2S7 Pion và một hệ thống khác.

Về pháo kéo, Ukraine có 515 đơn vị lựu pháo, pháo dã chiến, súng cối các loại gồm 75 122mm D-30, 180 2A36 152mm Giatsint-B, 130 152mm 2A65 Msta-B, 130 122mm D-20 cũng như hai súng cối 120mm 2B16 NONA-K, 190 120mm 2S12 Sani 120mm, 30 M-1938 (PM-38) và 120 M120-15.

Pháo tự hành 2S3 Akatsiya của quân đội Ukraine. (Ảnh: quân đội Ukraine)

Lực lượng pháo phản lực phóng loạt Ukraine có quy mô khiêm tốn hơn chỉ với gồm 185 đơn vị BM-21 Grad, 70 220mm BM-27 Uragan, 81 300mm Vilkha/Adler và 81 BM-30 Smerch.

Tính một cách tổng thể, quân đội Ukraine sở hữu đến hơn 1.300 đơn vị pháo các loại. Tuy nhiên một phần đáng kể trong số này đã hư hại hoặc mất khả năng chiến đấu. Đứng trước tình cảnh đó, Ukraine buộc phải xin viện trợ hàng trăm đơn vị pháo mới từ Mỹ và châu Âu. Trước hết là viện trợ từ các quốc gia sử dụng hệ vũ khí pháo binh (Liên Xô) giống như Ukraine, thứ 2 là các hệ thống pháo tiên tiến hơn đến từ các nước Tây Âu và Mỹ.

Tính đến hiện tại, Ukraine đã và đang tiếp nhận hàng trăm hệ thống pháo mới. Các hệ thống này được xem là cứu cánh đối với quân đội Ukraine giữa tình hình chiến sự căng thẳng ở Donbass (miền Đông Ukraine).

Tuy nhiên theo chuyên gia Pierre Henrot, cựu sĩ quan pháo binh NATO nhận định việc Mỹ và các nước châu Âu viện trợ ồ ạt các hệ thống pháo cho Ukraine chỉ là giải pháp tình thế. Điều này không thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Ngoại trừ các mẫu pháo của Liên Xô, binh sĩ Ukraine bắt buộc phải trải qua huấn luyện ít nhất một năm nếu muốn sử dụng thành thạo các hệ thống pháo của phương Tây.

Cũng theo vị chuyên gia này, công tác hậu cần cũng sẽ tác động đáng kể đến các hệ thống pháo phương Tây đang được quân đội Ukraine đưa lên tuyến đầu ở Donbass.

Các hệ thống pháo Ukraine nhận từ phương Tây

Lựu pháo D-30

Tháng 1/2022, Estonia đã yêu cầu Đức chấp thuận yêu cầu viện trợ lựu pháo 122mm D-30 và đạn dược đi kèm. Số pháo này sau đó đã được chuyển cho Ukraine ngay sau khi xung đột diễn ra.

Về D-30, đây là mẫu lựu pháo do Liên Xô chế tạo và được cả Nga và Ukraine cũng như một số nước Đông Âu sử dụng. Pháo D-30 có tốc bắn 6-8 phát/phút, tầm bắn tối đa có thể đạt hơn 15 km với đạn tăng tầm.

Pháo binh Ukraine với lựu pháo 122mm D-30.

Lựu pháo M777

Ukraine đã nhận được pháo kéo M777 và M777A2 155mm, bao gồm 108 chiếc từ Mỹ, 4 chiếc từ Canada và 6 chiếc từ Australia. M777 là loại lựu pháo kéo được phát triển bởi tập đoàn BAE Systems dựa trên yêu cầu của quân đội Mỹ.

Pháo M777 có tầm bắn tối đa 24,7 km với đạn thông thường và 30 km với đạn tăng tầm. Ở phiên bản mới nhất, M777A2 có thể bắn đạn dẫn đường Excalibur có độ chính xác cao và có tầm bắn tối đa 40 km độ sai lệch chỉ khoảng 10 m.

Lựu pháo 155mm M777 trong biên chế quân đội Ukraine.

Pháo tự hành PzH 2000

Đức và Hà Lan sẽ cung cấp 12 hệ thống pháo tự hành 155mm PzH 2000 cho Ukraine, 5 chiếc trong số đó đến từ Hà Lan và 7 chiếc còn do Đức cung cấp. Ngoài ra Italy cũng sẽ viện trợ PzH 2000 cho Ukraine (số lượng không xác định).

PzH 2000 là hệ thống pháo tự hành tiên tiến với nòng pháo 155mm được mạ crom và khóa nòng nâng bán tự động, mỗi hệ thống có thể mang theo 32 quả đạn. Loại pháo này có thể bắn tất cả các loại đạn 155 mm tiêu chuẩn của NATO. Nó có tầm bắn tối đa 30 km với đạn tiêu chuẩn và 40 km với đạn tăng tầm.

Pháo tự hành 155mm PzH 2000.

Pháo tự hành DANA

Cộng hòa Séc đã chuyển giao 20 pháo tự hành 152mm DANA và 20 hệ thống pháo phản lực phóng loạt 122mm RM-70 cho Ukraine.

Dana là loại pháo tự hành sử dụng khung gầm đặc chủng bánh lốp được phát triển vào cuối những năm 1970 do công ty ZTS sản xuât. Mục tiêu đáp ứng các yêu cầu tác chiến của quân đội Séc về một hệ thống pháo tự hành cơ động cao.

Hệ thống pháo này được trang bị một pháo cỡ nòng 152mm có hãm đầu nòng và bắn cùng loại đạn như hệ thống pháo tự hành 152mm 2S3 do Nga sản xuất. Nó có tầm bắn tối đa 20 km với đạn tiêu chuẩn và 28 km với đạn tăng tầm.

Pháo tự hành 152mm DANA.

Còn RM-70 là hệ thống pháo phản lực được phát triển bởi Tiệp Khắc - một biến thể lớn hơn của pháo phản lực BM-21 Grad do Liên Xô sản xuất. Tầm bắn của hệ thống này vào khoảng 20 km.

Pháo tự hành CAESAR

Ngày 22/4/2022, Pháp thông qua đề xuất chuyển giao 12 pháo tự hành bánh lốp 155mm CAESAR tối tân cho Ukraine. Pháo CAESAR được đánh giá phù hợp với tác chiến cơ động đi kèm với hỏa lực mạnh mẽ.

Pháo CAESAR có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa với tầm bắn từ 4,5 đến 40 km và độ chính xác cao khi sử dụng đạn dẫn đường. Nó cũng có thể được sử dụng ở chế độ bắn trực tiếp với tầm bắn tối đa 2 km.

Pháo tự hành CAESAR của Pháp trong biên chế quân đội Ukraine.

Pháo tự hành M109

Hiện tại có ít nhất ba nước châu Âu đã và đang chuyển giao pháo tự hành 155mm M109 cho Ukraine gồm, Italy (M109L), Na Uy (M109A3GN – 20 hệ thống) và Bỉ (M109A4BE – 64 hệ thống).

M109A3GN là phiên bản pháo tự hành dành cho Na Uy được nâng cấp từ M109A3 của Mỹ. Phiên bản này có thể bắn được nhiều loại đạn pháo 155mm khác nhau kể cả đạn dẫn đường, tầm bắn của nó vào khoảng 24,7 km và có thể đạt đến 30 km với đạn tăng tầm.

Còn M109A4BE của Bỉ cũng là một phiên bản M109A2/A3 nâng cấp có tầm bắn từ 18,5 đến 23,5 km. Nó được trang bị một máy nạp đạn tự động với tốc độ bắn có thể lên đến 3 phát chỉ trong 20 giây và 6 phát trong một phút.

Pháo tự hành M109A4BE của Bỉ trong biên chế quân đội Ukraine.

Lựu pháo M114

Ngày 9/5/2022, chính phủ Bồ Đào Nha đã chấp thuận gửi các phương tiện chiến đấu và vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm 15 xe bọc thép chở quân M113 cũng như 5 lựu pháo 155mm M114.

M114 là loại lựu pháo kéo 155mm do quân đội Mỹ phát triển và sử dụng từ Thế chiến thứ 2. Nó được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1942 như một loại pháo hạng trung với tên gọi 155 mm Howitzer M1. Nó có thể bắn tất cả các loại đạn STANAG cỡ nòng 155 mm/39 của NATO và có tầm bắn tối đa lên đến gần 33 km với đạn tăng tầm.

Lựu pháo 155mm M114.

Lựu pháo FH70

Ngày 15/5/2022, Italy đã phê duyệt việc cung cấp pháo kéo 155mm FH70 cho Ukraine. FH-70 có thể bắn tất cả các loại đạn 155mm tiêu chuẩn của NATO với tầm bắn tối đa 24,7 km hoặc 30 km với các loại đạn tăng tầm. Lựu pháo thường được vận chuyển bằng xe tải quân sự hoặc tự di chuyển (phạm vi ngắn) để tăng tính cơ động.

Pháo kéo 155mm FH70 trong biên chế quân đội Ukraine.

Pháo tự hành Krab

Ngày 29/5/2022, Ba Lan tuyên bố đã chuyển giao 18 hệ thống pháo tự hành 155mm Krab cho Ukraine. Đến ngày 4/6, Ba Lan ký một thỏa thuận quân sự mới với chính quyền Kiev về việc mua 60 hệ thống pháo Krab cho quân đội Ukraine trong tương lai.

Về Krab – đây là mẫu pháo tự hành do Ba Lan tự phát triển sử dụng pháo cỡ nòng 155mm, có tốc độ bắn 3 phát/10 giây. Pháo có thể bắn nhiều loại đạn 155mm NATO với tầm bắn tối đa 40 km, mỗi hệ thống có thể mang theo 40 quả đạn.

Pháo tự hành 155mm Krab của Ba Lan.

Pháo tự hành ZUZANA 2

Ngày 1/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad xác nhận rằng Slovakia sẽ chuyển giao 8 pháo tự hành 155mm Zuzana 2 cho Ukraine.

Zuzana 2 là thế hệ pháo tự hành bánh lốp mới nhất của dòng pháo 152mm Dana cũng như phiên bản nâng cấp của Zuzana. Vũ khí chính của Zuzana 2 là pháo cỡ nòng 155mm có tầm bắn tối đa 41 km với đạn tăng tầm. Pháo được trang bị hệ thống nạp đạn tự động cho phép bắn tối đa ở chế độ tự động 5 phát/phút.

Pháo tự hành 155mm Zuzana 2.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS

Theo một tuyên bố được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào ngày 3/6/2022, Washington đã chấp thuận chuyển giao 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS cho Ukraine.

HIMARS là một trong những hệ thống pháo phản lực hiện đại nhất trên thế giới có thể bắn tên lửa dẫn đường và tên lửa chiến thuật. Cụm phóng của HIMARS được đặt trên khung gầm bánh lốp có tầm bắn 30 – 80 km với đạn rocket hoặc 300 km với tên lửa chiến thuật ATACMS.

Pháo phản lực HIMARS.

Hệ thống pháo phản lực M270

Ngay sau Mỹ, Bộ Quốc phòng Anh cũng công bố kế hoạch viện trợ pháo phản lực M270 cho Ukraine.

Pháo phản lực M270 được Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Tây Đức phát triển từ cuối những năm 1970. Mỗi xe phóng có hai khoang chứa có thể tháo rời, mỗi khoang chứa 6 đạn rocket tiêu chuẩn hoặc một tên lửa dẫn đường. M270 có thể đánh trúng mục tiêu cách 32-80 km khi sử dụng đạn rocket và tới 500 km khi sử dụng tên lửa.

Pháo phản lực M270.

Trà Khánh (Army Recognition)

Tin mới