Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phú Yên: Bờ sông Ba sạt lở, người dân nặng nỗi lo

(VTC News) -

Bờ sông Ba - đoạn qua địa phận huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) - đang sạt lở nghiêm trọng đe dọa cuộc sống người dân.

Ghi nhận của VTC News những ngày giữa tháng 9, tuy thời tiết không có mưa nhưng dọc theo bờ sông Ba thuộc huyện Phú Hòa có rất nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Từ xã Hòa Định Tây đến thị trấn Phú Hòa, bờ sông nhiều đoạn gần như bị băm nát. Rất nhiều đất vườn của người dân bị ngoạm vào hàng trăm mét, bờ sông có nơi biến thành vực dựng đứng.

Sống ở khu vực dọc bờ sông Ba thuộc khu phố Định Thọ (thị trấn Phú Hòa) hơn 25 năm, gia đình chị Đào Thị Hòa cứ đến mùa mưa lũ là phải dắt díu mẹ già và con nhỏ đi tá túc nhà người quen bởi nhà của chị có nguy cơ đổ sập bất kì lúc nào. “Hồi trước, bờ sông cách nhà tôi khoảng 1 km, thế nhưng giờ đã ăn sâu tới móng nhà. Mỗi khi mùa mưa đến, tôi lại xót xa khi nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, đục ngầu vì đất dọc bờ sông lở từng mảng, hòa tan trong nước”, chị Hòa nói.

Chị Hòa lo lắng vì sắp đến mùa mưa lũ thì số phận căn nhà của chị ra sao vì bờ sông đã sạt lở đến móng nhà.

Cách nhà chị Hòa chừng 5 km đường bờ sông, gia đình ông Tư (thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An) ngày nào cũng ra bờ sông rầu rĩ vì diện tích đất trồng hoa màu đã bị “hà bá” nuốt chửng. Gia đình ông Tư sống ở đây từ xưa, khai hoang được 1.000 m2 đất cạnh mé sông để trồng rau, trồng cỏ.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, bờ sông Ba sạt lở khiến cho khoảng 750 m2 đất trôi dần theo dòng nước qua các mùa mưa lụt, hiện gia đình chỉ còn sản xuất nông nghiệp được phần diện tích còn lại nhưng cũng có nguy cơ mất đất trong thời gian tới.

“Năm trước, bờ cao còn ở ngoài xa, đến năm nay thì đã sạt lở vào sát nhà dân rồi. Năm nào ở đây cũng bị sạt lở nhưng không nhiều, thường thì vào mùa mưa lụt mới bị. Từ khi có máy hút cát thì nước khô hay nước lớn gì ở đây cũng bị hết”, ông Tư chia sẻ.

Ông Tư buồn bã vì có thể sắp tới không còn đất canh tác vì đất đai ven bờ sông đang bị sạt lở dần 

Theo tìm hiểu, đoạn sông Ba qua huyện Phú Hòa dài khoảng 10 km, có tới 3 doanh nghiệp được cấp phép hút cát. Hằng ngày, ghe hút cát hoạt động hết công suất, những chiếc vòi rồng cắm xuống lòng sông, hút mạnh, rồi phun lên trên mặt nước một dòng nước đục ngầu.

Cách lòng sông không xa, ngay phía trên bờ, thuộc đầu bờ kè thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng) là bãi tập kết có tổng diện tích khoảng 1 ha, đã được san ủi phẳng. Trên đó, những đụn cát trắng như quả đồi nhỏ nhấp nhô. Những chiếc xe tải nối tiếp nhau bò vào bãi, rồi dừng lại, há miệng thùng chờ cần cẩu ngoạm từng gầu cát to thả lên. Bãi tập kết cát có khung cảnh khẩn trương, nhộn nhịp như một đại công trường.

Bãi khai thác và tập kết cát ở đầu bờ kè thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng) chỉ cách đường dân sinh khoảng 100 m.

Đi dọc bờ sông, chúng tôi còn ghi nhận tình hình nhiều nơi bị khai thác cát trộm, để lại dấu vết sâu trên bờ. Người dân ở đây thường lấy cát ở bờ sông này để phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp.

Dấu vết còn sót lại trên bờ sông khi người dân lấy cát phục vụ cho nhu cầu xây dựng

Thông tin về vấn đề trên, ông Võ Huy Thạc - Phó phòng TMNT huyện Phú Hòa - cho biết, dọc bờ kè sông Ba, đoạn qua địa bàn huyện, có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Về nguyên nhân sạt lở do đâu thì chưa xác định được, việc do người dân tự ý hốt cát bờ sông hay do các đơn vị hút cát trên sông thì phải đi thẩm định mới đánh giá được nguyên nhân.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Chủ tịch huyện Phú Hòa - nói, việc sạt lở ven bờ sông Ba đoạn qua huyện Phú Hòa là có, nhưng vẫn chưa xác định nguyên nhân, cũng có thể là do thiên tai.

Địa phương cũng đã đề xuất UBND tỉnh về việc xây bờ kè qua các đoạn bị sạt lở nhưng vì thiếu nguồn vốn nên chưa làm được. Địa phương sẽ cố gắng đề xuất sớm xây bờ kè để người dân dọc bờ sông yên tâm sinh sống”, ông Tường nói

Minh Minh

Tin mới