Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phạt nặng tài xế 'ma men': Vì sao nghị định có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ban hành?

(VTC News) -

Thông thường, các nghị định chỉ có hiệu lực ít nhất sau 45 ngày ban hành nhưng Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngay từ ngày 01/01/2020.

Rút gọn trình tự, thủ tục

Nói về Nghị định 100/2019/NĐ-CP đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận những ngày gần đây,lLuật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) nêu thực tế, Việt Nam nằm trong top các nước có tốc độ tăng lượng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, top các quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, Việt Nam cũng nằm trong top về số ca thiệt mạng do tai nạn giao thông. Vậy nên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành lập tức được toàn xã hội quan tâm.

Nghị định này quy định mức phạt đối với tài xế uống rượu bia cao hơn nhiều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đây, và việc uống rượu bia rồi lái xe bị nghiêm cấm.

Cảnh sát giao thông Công an TP. Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn tài xế.

Về việc có những người phản ứng khi bị phạt nặng do phát hiện cồn trong hơi thở, luật sự Việt nói: “Đó cũng là lẽ thường tình. Theo nội dung tại Nghị định 100/2019 thì những thói quen, nếp sinh hoạt của một bộ phận người dân sẽ phải thay đổi, nếu không muốn bị xử phạt”.

Ông Việt cũng nhắc đến việc trước đây, khi quy định bắt buộc người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm, dân cũng phản ứng. Tuy nhiên, tổng kết việc thực hiện quy định này cho thấy kết quả rất tốt, dân hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Anh-quoc-viet.jpg

Theo nội dung tại Nghị định 100/2019 thì những thói quen, nếp sinh hoạt của một bộ phận người dân sẽ phải thay đổi, nếu không muốn bị xử phạt.

Luật sư Lê Quốc Việt

Luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) nhìn nhận, Nghị định 100/2019 được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày khiến nhiều người dân ngỡ ngàng vì mức phạt nặng và do chưa nắm được những cái mới của văn bản. Do đó khi bị xử lý, họ rất bất ngờ.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật thông thường, theo khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: “Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước Trung ương”.

Như vậy, theo quy định thông thường thì Nghị định 100/2019 được ban hành ngày 30/12/2019 thì thời điểm có hiệu lực không được trước 45 ngày kể từ ngày 30/12/2019. Tuy nhiên, Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cho biết, nghị định cũng có thể được ban hành theo thủ tục rút gọn khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội.

2. Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định.

3. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Nghị định 100 đã được ban hành theo thủ tục rút gọn là để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 (có hiệu lực ngày 1/1/2020) trong đó có nội dung nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng lập biên bản xử phạt người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019.

 

Cũng có cùng quan điểm này, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) bày tỏ: “Theo tôi, các quy định của Luật Phòng, Chống tác hại của rượu bia là rất cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do những mất mát vô cùng lớn mà rượu bia gây ra”.  Rượu bia khiến rất nhiều người thương vong do tai nạn giao thông, lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của giống nòi. 

Do đó, luật sư Cao cho rằng cần có cú hích lớn bằng các quy định pháp luật để ngăn chặn những tác hại của rượu bia. “Sau khi các văn bản luật được ban hành, nếu chưa đáp ứng được thực tiễn thì chúng ta có thể sửa để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống”, luật sư Lê Cao nói.

Vị luật sư này nói thêm, nếu như dư luận được quan tâm, "dậy sóng" trước khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nghĩa là từ giai đoạn dự thảo thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

Làm sao để nâng cao hiệu quả việc đưa các quy định của Luật Phòng, Chống tác hại của rượu bia hay Luật Giao thông đường bộ vào cuộc sống, theo tôi nếu chỉ nâng mức phạt tiền lên rất cao mà không có các chính sách kinh tế xã hội phù hợp đồng hành với nó thì rất khó đạt hiệu quả cao”, luật sư Cao nhìn nhận.

XUÂN TIẾN

Tin mới