Sinh vật này được biết đến với tên gọi Gavialimimus almaghribensis. Nó có mõm hẹp, dài và răng đan vào nhau, được xếp vào nhóm mosasaur (thương long). Thương long là một loài bò sát biển giống cá heo sống ở thời khủng long.
"Phần mõm dài cho thấy con thương long này có khả năng thích nghi với một dạng săn mồi cụ thể hoặc phân vùng thích hợp trong hệ sinh thái lớn hơn”, bà Catie Strong từ Đại học Alberta ở Canada - tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Hóa thạch của Gavialimimus almaghribensis phản ánh thói quen săn mồi của nó. (Ảnh: Fox News)
Không giống như khủng long đẻ trứng, thương long sinh con nhỏ ở dưới nước như cá heo.
Giống như các loài thương long khác, G. almaghribensis sống thời kỳ cuối kỷ Phấn trắng (từ 72 triệu đến 66 triệu năm trước).
Nhờ vào hóa thạch hộp sọ được tìm thấy ở Morocco, các chuyên gia xác định G. almaghribensis có thể dài tới 15 m và nặng tới gần 14 tấn. Một số người gọi chúng là "khủng long bạo chúa của biển cả".
Theo bà Strong, mỗi loài thương long thích nghi với các con mồi hoặc phong cách săn mồi khác nhau. Đây là lý do khiến các mẫu hóa thạch của loài này thường khác biệt.
Hình ảnh mô phỏng về 1 con thương long. (Ảnh: Nps)
Chiếc mõm dài và cấu trúc răng khác thường ở Gavialimimus khiến Strong và các cộng sự tin rằng con mồi mà chúng nhắm đến thường di chuyển nhanh.