Dù chỉ thực hiện trên 120 bệnh nhân, nghiên cứu tại Vũ Hán đã cung cấp góc nhìn hiếm thấy về những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của COVID-19 tại nơi khởi phát đại dịch, đặc biệt là ở những người không bị bệnh nặng, theo báo South China Morning Post.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy việc khó ngủ, khó thở, mệt mỏi và đau khớp là những triệu chứng phổ biến. Gần 1/3 số bệnh nhân COVID-19 nhẹ, tương đương 86,7% tổng số người được khảo sát, gặp phải những triệu chứng trên.
Các nhân viên y tế tới cộng đồng cư dân bị phong tỏa vì COVID-19 ở Hohho, Nội Mông vào tháng 10. (Ảnh: AFP)
Cũng theo nghiên cứu, khoảng 56% bệnh nhân COVID-19 ban đầu có triệu chứng không nghiêm trọng đã phát hiện điều bất thường trong kết quả chụp CT sau gần một năm mắc bệnh, như đục thủy tinh thể hay giãn phế quản.
“Tại thời điểm theo dõi gần một năm, những người hồi phục sau COVID-19 vẫn có các vấn đề sức khỏe, bao gồm vấn đề về chức năng hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống, lo lắng và trầm cảm. Việc tiến hành theo dõi và ngăn ngừa sự tái nhiễm của SARS-CoV- 2 trong nhóm này là điều rất cần thiết”, nghiên cứu cho biết.
Song các nhà khoa học lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ. Hơn nữa, có nhiều dữ liệu cơ bản của bệnh nhân trong giai đoạn trước khi mắc bệnh không có sẵn, vì vậy tình trạng sức khỏe bất thường của những người sống sót sau COVID-19 không thể chỉ do nhiễm virus.
COVID-19 kéo dài được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là di chứng hậu COVID-19. Các triệu chứng kéo dài ở bệnh nhân đã hồi phục đã trở thành mối quan tâm sức khỏe của toàn cộng đồng.