Điểm gãy bất thường trải dài khoảng 3.000 năm ánh sáng, chỉ chiếm một phần nhỏ của Dải Ngân hà (có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng). Tuy nhiên, điểm gãy mới này được phát hiện phá vỡ dòng chảy đồng đều của nhánh Nhân mã của Dải Ngân hà.
Mô phỏng điểm gãy nhô ra khỏi Cáh tay Nhân Mã của dải Ngân Hà. (Ảnh: NASA)
Đồng tác giả của nghiên cứu Robert Benjamin, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Wisconsin-Whitewater nhận định: “Cấu trúc này là một phần nhỏ của Dải Ngân hà nhưng có thể cho chúng ta biết điều gì đó quan trọng về toàn bộ thiên hà. Đây là lời nhắc nhở rằng có nhiều điều chưa chắc chắn về quy mô lớn của Dải Ngân hà”.
Cấu trúc mới giống như “mảnh gỗ nhô ra khỏi tấm ván gỗ”, trải dài 3.000 năm ánh sáng từ một trong các nhánh của thiên hà, bao gồm các ngôi sao và một nhóm 4 tinh vân là tinh vân Đại bàng, tinh vân Thiên Nga, tinh vân Chẻ Ba và tinh vân Đầm phá.
Sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA cũng như vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, nhóm nghiên cứu mới đã đo khoảng cách chính xác tới các ngôi sao. Họ phát hiện ra rằng, hầu hết các mô hình về Dải Ngân hà đều cho rằng, nhánh Nhân Mã tạo thành một đường xoắn ốc có góc nghiêng khoảng 12 độ nhưng cấu trúc thực sự nổi bật ở góc gần 60 độ.
Bên cạnh góc nhô ra kỳ lạ của “vết đứt gãy”, hàng trăm nghìn ngôi sao trong điểm gãy dường như cũng đang chuyển động với cùng vận tốc và cùng hướng với nhau. Điều này cho thấy các ngôi sao đó có khả năng hình thành cùng một lúc và tất cả chịu tác dụng của các lực hấp dẫn như nhau. Nói cách khác, một số ngoại lực đã kéo những tinh vân này thành một đường thẳng dài cắt ngang dòng chảy của phần còn lại của nhánh Nhân Mã.
Giới khoa học vẫn chưa chắc chắn làm thế nào và tại sao các điểm gãy lại hình thành trên các thiên hà, trong trường hợp này là các nhánh xoắn ốc, nhưng khám phá có thể làm sáng tỏ điều đó. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu quan sát kỹ Dải Ngân hà, chúng ta sẽ thấy cấu trúc hình cầu và hình lông vũ rất phổ biến trong các nhánh xoắn ốc của thiên hà.