Trước đó, Israel và chính quyền Palestine (PA) đã công bố một thỏa thuận chia sẻ vaccine. Theo đó, Israel sẽ gửi 1,4 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho PA, đổi lại, PA đồng ý sẽ cung cấp lại cho Israel số liều tương tự vào cuối năm nay.
PA cho biết, việc chia sẻ vaccine diễn ra trong bối cảnh PA mong muốn “đẩy nhanh quá trình tiêm chủng" ở Bờ Tây và dải Gaza.
Chính quyền Palestine (PA) đã hủy thỏa thuận nhận 1,4 triệu liều vaccine Pfizer từ Israel. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên người phát ngôn của PA cũng cho biết, Palestine đã hủy bỏ thỏa thuận do sắp hết hạn và gửi lô hàng ban đầu khoảng 90.000 liều trở lại Israel.
"Họ cho chúng tôi biết vaccine sẽ hết hạn lvào tháng 7 hoặc tháng 8, điều này sẽ cho phép còn rất nhiều thời gian để sử dụng. Nhưng thời hạn sử dụng hóa ra sẽ hết vào tháng 6. Không đủ thời gian để sử dụng , vì vậy chúng tôi đã huỷ thoả thuận", Bộ trưởng Bộ Y tế PA Mai Alkaila cho biết.
Là nước dẫn đầu thế giới về tốc độ triển khai tiêm chủng, Israel hứng chỉ trích vì không nỗ lực đảm bảo người Palestine tại vùng Bờ Tây được tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, các quan chức Israel lập luận, theo hiệp định hòa bình Oslo, Bộ Y tế PA chịu trách nhiệm tiêm phòng cho người dân ở dải Gaza và các khu vực thuộc Bờ Tây.
Thỏa thuận chia sẻ vaccine là một trong những động thái chính sách đầu tiên đối với người Palestine của Thủ tướng Bennett, kể từ khi ông hạ bệ cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nhậm chức ngày 13/6.
Khoảng 55% người Israel thuộc diện được tiêm chủng đã được chích ngừa đầy đủ. Con số này hầu như không đổi sau khi Israel tuyên bố mở rộng độ tuổi tiêm chủng để bao gồm trẻ 12-15 tuổi. Trong khi đó, chỉ khoảng 30% người Palestine thuộc diện tiêm chủng tại Bờ Tây và dải Gaza được tiêm ít nhất một liều.
Thỏa thuận chia sẻ vaccine được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Israel và Hamas, lực lượng vũ trang người Palestine tại dải Gaza, lại trở nên căng thẳng kể từ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào tháng 5. Trong hai ngày 16-17/6, Israel hai lần không kích Dải Gaza sau khi cáo buộc lực lượng Hamas thả nhiều quả bóng mang theo chất nổ vào miền Nam Israel.
Người Palestine đã nhận được liều vaccine COVID-19 từ Israel, Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) và sáng kiến chia sẻ vaccine COVAX.